Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Grab cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.
Ngoài ra, Grab cũng phải cung cấp thông tin chi tiết về căn cứ, cơ sở, tiêu chí để áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe...
Theo yêu cầu của Cục, mọi thông tin cần được gửi về trước ngày 18/7. Tuy nhiên, cho đến nay đã quá hai ngày so với thời hạn, Grab vẫn chưa gửi báo cáo giải trình về việc đơn phương áp đặt việc phụ thu nắng nóng, kẹt xe, tắc đường.
Cụ thể, ngày 6/7, Grab Việt Nam đã công bố áp dụng phụ phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đối với các dịch vụ vận chuyển bằng xe hai bánh.
Tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi chuyến xe GrabBike, đơn hàng giao đồ ăn GrabFood, mua đồ hộ GrabMart sẽ tính thêm 5.000 đồng phụ phí. Còn dịch vụ vận chuyển hàng GrabExpress bị tính thêm 3.000 đồng trên mỗi chuyến xe.
Một số địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, nhiều người dùng cho biết phải trả thêm 5.000 đồng phụ phí cho mỗi lần đặt dịch vụ GrabBike hay GrabFood.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, việc áp đặt thu phụ phí phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các Sở trực thuộc. Hiện, quy định mức phí, lệ phí đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, doanh nghiệp không được đơn phương đưa ra các hình thức thu phí, phụ phí dưới bất kỳ hình thức nào nếu chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước hoặc khách hàng, đối tác.
Việc Grab đơn phương đưa ra mức thu phụ phí, theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội là hành vi cưỡng đoạt, độc quyền của doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để rà soát chấn chỉnh nhằm bảo vệ thị trường, người tiêu dùng.
Hiện những đối tác, khách hàng của Grab cũng không đồng ý với chính sách thu phụ phí của Grab đưa ra, bởi nếu ngoại cảnh đều có tác động chung đến khách hàng và đối tác; trong khi đó chi phí khách hàng phải gánh chịu.
Trước diễn biến giá xăng dầu ở mức cao và thời tiết nắng nóng tại các tỉnh phía Bắc, nhiều người ở Hà Nội phản ánh không thể bắt được Grab ở những chặng đường ngắn với cước phí dưới 50.000 đồng, Grabcar đều không muốn chạy cuốc ngắn do giá xăng cao, tắc đường cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến chi phí chạy xe đội cao. Trong khi đó, mức chiết khấu của Grab cho các hãng xe vẫn không hề giảm (trung bình từ 28-32%/giá cuốc) trong bối cảnh chi phí của lái xe, đối tác ngày một lớn.