Dân Việt

Bến Tre: Thả đội quân 1,8 triệu con ong ký sinh tiêu diệt loài sâu nguy hiểm đang tàn phá vườn dừa

P.V 20/07/2022 15:48 GMT+7
Đã có 16.716ha dừa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm bọ cánh cứng, trong đó có 1.076ha nhiễm nặng.

Sâu đầu đen tàn phá các vườn dừa ở Bến Tre

Bến Tre là địa phương có diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nhiều nhất. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, sâu đầu đen gây hại rải rác trong vườn dừa ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và TP. Bến Tre. 

Trong đó, nhiễm nhẹ 371,22ha (tỷ lệ hại từ 10 - 20%), nhiễm trung bình 257,55ha (tỷ lệ hại từ 20 - 40%) và nhiễm nặng 249,15ha (tỷ lệ hại trên 40%). 

Cụ thể, Mỏ Cày Nam 258,2ha, Bình Đại 212,99ha, TP. Bến Tre 131,64ha, Châu Thành 129,3ha, Mỏ Cày Bắc 74ha, Chợ Lách 20,55ha, Thạnh Phú 21,3ha, Giồng Trôm 14,3ha và Ba Tri 12,8ha.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), toàn vùng có 16.716ha dừa bị nhiễm bọ cánh cứng, tăng 5.418ha so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ gây hại phổ biến 15-20%, trong đó nhiễm nặng là 1.076ha. 

Bọ cánh cứng xuất hiện và gây hại trên vườn dừa tại các tỉnh, thành như Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh..

Bên cạnh đó, nhiều diện tích vườn dừa tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang cũng bị nhiễm bọ vòi voi, với tổng diện tích nhiễm 4.050ha, tăng 785ha so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ gây hại phổ biến từ 5-8%, nhiễm nặng có 39ha.

Bến Tre: Thả đội quân 1,8 triệu con ong ký sinh tiêu diệt loài sâu nguy hiểm đang tàn phá vườn dừa  - Ảnh 1.

Sâu đầu đen tàn phá các vườn dừa ở Bến Tre. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Ðáng lo nhất là diện tích dừa bị nhiễm đối tượng dịch hại mới là sâu đầu đen từ mức ban đầu chỉ 2,4ha tại huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre vào tháng 7/2020 thì đến nay sâu đầu đen đã xuất hiện, gây hại dừa tại 6/19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, với diện tích hơn 817ha. 

Trong đó, có 348,4ha nhiễm nhẹ với tỷ lệ 10-20%, 211ha nhiễm với tỷ lệ trung bình 20-40% và nhiễm nặng với tỷ lệ trên 40% có 257,9ha. 

Các tỉnh có diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen nhiều gồm: Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang... 

Sâu đầu đen nguy hiểm như thế nào?

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, sâu đầu đen rất nguy hiểm, bởi chúng có thể làm cho cây dừa bị chết, thường chúng tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá non phía trên.

Được biết, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã tích cực và nhanh chóng phối hợp với địa phương ra quân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.

Lũy kế đến nay diện tích dừa đã được phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học 584,44ha. 

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Bến Tre cũng đã phóng thích 1 triệu ong ký sinh Trichospilus pupivorus tại TP. Bến Tre; phóng thích 18.000 ong ký sinh Habrobracon hebetor tại Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre để phòng trừ sâu đầu đen.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo, người dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi thông tin về tình hình sâu đầu đen, phát hiện và báo cáo ngành chức năng kịp thời để có biện pháp xử lý, tránh thiệt hại cao do sâu đầu đen gây ra.

Vùng Nam Bộ có khoảng 167.630 ha trồng dừa và gần đây diện tích trồng dừa tại vùng bị nhiễm các loại dịch hại như bọ cánh cứng, bọ vòi voi và sâu đầu đen đang có xu hướng tăng.