Sâm đương quy - bài thuốc đặc biệt bổ dưỡng
Sâm đương quy là một cây thuốc được sử dụng hàng ngàn năm trong y học Phương Đông. một cây thuốc trong các đầu vị Thuốc Bắc, vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh.
Sâm đương quy thường mọc ở các vùng núi, nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Ở Việt Nam, sâm đương quy có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì thế ngoài tác dụng chính là loại cây thuốc có thể chữa nhiều loại bệnh, sâm đương quy còn là món ăn bổ dưỡng và vô cùng ngon miệng.
Sâm đương quy được chị Nguyễn Thị Hòa giới thiệu livestream bán hàng cho khách tại chợ phiên Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa - Điện Biên). Clip: NT
Tại chợ phiên Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa - Điện Biên), cây sâm đương quy được bày bán khá nhiều, cả thân lẫn rễ. Theo hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Hòa, người chuyên bán hàng livestream ở khu chợ này thì đây là mặt hàng khá "đắt khách". Bởi ngoài phần rễ có thể ngâm rượu, làm thuốc... thì phần lá của cây sâm đương quy còn có thể chế biến thành nhiều món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng.
Chị Hòa cho hay: "Khách mua trực tiếp cũng nhiều mà khách online đặt hàng cũng lắm. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ biết đến phần củ hay còn gọi là rễ sâm và chưa biết hết công dụng của thân và lá. Dân chúng tôi ở đây thường lấy lá xào với thịt lợn, thịt bò hay thịt dê... đều rất ngon và dễ ăn".
Với giá bán 10.000 đồng/bó, sâm đương quy được nhiều khách hàng chọn mua online bởi có thể tận dụng tất cả mọi bộ phận của cây, không bỏ phí cái gì. Ảnh: NT
Với hương thơm mạnh đặc trưng nhưng vô cùng dễ chịu, lá sâm đương quy được nhiều người bán như một loại rau để ăn hàng ngày. Nếu dùng rau này để xào thịt thì ngon miễn chê. Tuy nhiên, lá sâm đường quy không đơn giản là một loại rau ăn mà còn là thuốc quý dùng để chăm sóc sức khỏe và dưỡng nhan trong Đông y nữa.
Sâm đương quy cũng được bày bán nhiều tại chợ phiên Y Tý (Bát Xát - Lào Cai). Ảnh: NT
Rất nhiều du khách khi đến với vùng đất Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) cũng vô cùng thích thú khi được thưởng thức món ăn từ lá sâm đương quy.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết, khách du lịch đến từ Hà Nội cho hay: "Lần đầu tiên đến đây, tôi được chủ homestay mời ăn món lá sâm đương quy xào với tỏi. Ngay khi đĩa rau mới bưng ra đã nhận thấy mùi thơm đặc trưng của đương quy. Khi ăn có vị giòn, ngọt như rau cần nhưng thơm hơn nhiều".
Anh Phu Suy Thó, chủ homestay Khám phá Y Tý cũng thừa nhận: món ăn từ sâm đương quy rất dễ níu chân du khách. "Với người dân bản địa thì lá sâm đương quy từ lâu đã trở thành món rau quen thuộc hàng ngày, thế nên chúng tôi rất hào hứng giới thiệu tới du khách, và thật vui là ai cũng thích món ăn này" - Phu Suy Thó cho hay.
Rễ của sâm đương quy có thể làm thuốc, ngâm rượu, còn lá thì chế biến như món rau ăn hàng ngày, rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: NT
Nhiều người khi đến các phiên chợ vùng cao thường tìm mua cây sâm đương quy về làm quà, chị Ánh Tuyết cũng thế: "Sau khi được ăn món lá đương quy xào thịt thì lần nào tới Y Tý tôi cũng đi chợ phiên tìm mua về làm quà cho gia đình và bạn bè cùng được thưởng thức".
Lương y Bùi Hồng Minh cho hay, chị em nên sử dụng rau đương quy xào các loại thịt tùy thích ăn thường xuyên sẽ giúp bổ máu, giúp da dẻ luôn mịn hồng, đầy sức sống. Bên cạnh đó, lá sâm đương quy còn được dùng làm gia vị vì có vị ngọt, hơi cay và có mùi thơm dễ chịu, ăn rất ngon.
Theo Đông y, đương quy có vị ngọt, hơi cay, mùi thơm, tính ôn; quy vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ. Mỗi bộ phận cây đương quy đều có tác dụng chữa bệnh: quy đầu có tác dụng chỉ huyết, quy thân có tác dụng bổ huyết, quy vĩ có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, còn khi dùng toàn quy lại có tác dụng hòa huyết, vừa bổ huyết vừa hoạt huyết; ngoài ra còn có tác dụng nhuận táo, thông kinh, chỉ thống.
Chính vì vậy, Đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong Đông y dùng để chữa các chứng phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, hay thiếu máu, xanh xao, chân tay đau nhức. Đương quy có mặt ở rất nhiều thang thuốc cổ điển như: Tứ vật, Bát vị, Thập toàn đại bổ. Bên cạnh đó, Đương quy còn được dùng làm gia vị vì có vị ngọt, hơi cay và có mùi thơm dễ chịu, ăn rất ngon. Và dưới đây là một số món ăn bổ dưỡng có mặt đương quy.