Dân Việt

Làm thế nào để sầu riêng Việt Nam vươn ra biển lớn?

Ngọc Giàu 22/07/2022 10:06 GMT+7
Sáng 22/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Đắk Lắk, trực tuyến trên nền tảng Zoom và trên fanpage của Cục Xúc tiến thương mại.

Làm thế nào để sầu riêng Việt Nam vươn ra biển lớn? - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk phát biểu tham luận tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam - Ảnh: Ngọc Giàu

Năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước đạt khoảng 642.600 tấn và chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan…

Để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường các nước trên thế giới, tại phiên tư vấn các chuyên gia, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ tổng quan về một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia, Thái Lan...

Đồng thời, các chuyên gia cũng hướng dẫn các vấn đề về tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...

Từ chỗ là một sản phẩm ít người biết tới, cho đến nay sầu riêng Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh và có thương hiệu trên thị trường thế giới. 

Sau gần 4 năm nỗ lực đàm phán, ngày 11/7/2022 trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được cấp "visa" xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính ngạch…

Làm thế nào để sầu riêng Việt Nam vươn ra biển lớn? - Ảnh 1.

Nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Giàu.

Phát biểu tham luận tại phiên tư vấn, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk – nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 3.798 ha sầu riêng, sản lượng ước tính 40.000-50.000 tấn, giá trị sản xuất ước tính 1.500-2.000 tỷ đồng. 

"Sầu riêng Krông Pắk" là thương hiệu có tiếng trong nước và khu vực, được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng tốt. Đặc biệt là thơm, ngon, cơm vàng, có độ ngọt và béo đặc trưng.

Hiện nay diện tích sầu riêng đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện là 581 ha với 497 hộ dân sản xuất; đã có 1.200 ha sầu riêng xây dựng lập hồ sơ gửi Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2022. 

Sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắk cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC".

"Chính quyền địa phương và nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc. Người dân, doanh nghiệp đang tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các quy định để đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ mà thị trường Trung Quốc đề ra. Huyện cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm yêu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc", bà Trinh chia sẻ.

Làm thế nào để sầu riêng Việt Nam vươn ra biển lớn? - Ảnh 2.

Sản lượng sầu riêng cả nước đạt khoảng 642.600 tấn và chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan…

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Anh Trung - Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần XNK Dũng Thái Sơn (Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết, việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam lần này chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng được lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia về thị trường cũng như nắm bắt các quy định, thủ tục xuất nhập khẩu.... Đồng thời, tránh được những rủi ro đáng tiếc khi chính thức tham gia vào "cuộc chơi" lớn.