Dân Việt

Mục sở thị ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội

Phương Linh - Nguyễn Tùng 22/07/2022 13:23 GMT+7
Căn nhà cổ số 42 được xem là một trong những kiến trúc hiếm hoi vẫn còn lưu lại dấu tích xưa được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Clip căn nhà cổ ở phố Hàng Cân (Hà Nội). Thực hiện: Phương Linh- Nguyễn Tùng.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Con phố Hàng Cân, Hà Nội xưa nay luôn hiện hữu trong ký ức của người dân Hà thành với một vẻ đẹp cổ kính và rêu phong. Dẫu trải qua hàng trăm năm biến động của lịch sử, trước sự hiện đại hoá "chóng mặt" của những con phố nằm liền kề, phố Hàng Cân vẫn như vậy, giữ cho mình một nét đẹp riêng của thời đại cũ. Và căn nhà số 42 được xem là một trong những kiến trúc hiếm hoi vẫn còn lưu lại dấu tích xưa được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Căn nhà số 42 phố Hàng Cân thường được người dân Hà thành gọi với cái tên nhà "hộp diêm" bởi cấu tạo hình ống, hai tầng của ngôi nhà khi nhìn từ xa khiến người ta liên tưởng tới hình dạng một hộp diêm. Được biết, căn nhà cổ này có diện tích 108m2, gồm 5 khu vực sinh hoạt và đã có tuổi đời lên tới 132 năm. Nhìn tận mắt, ít ai tin rằng ngôi nhà này từng là công trình kiến trúc cao nhất, khang trang nhất trên của khu vực phố Hàng Cân và phố Hàng Bồ.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Phía ngoài của căn nhà mới được cải tạo, sơn sửa lại thời gian gần đây nhằm đảm bảo giữ y nguyên thiết kế kiến trúc ban đầu mà vẫn an toàn, không gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Chủ nhân đầu tiên của căn nhà là cụ Trần Hữu Lập, thường được mọi người gọi với cái tên cụ Ích An. Cửa hàng với biển hiệu "Ích - An" do cụ thành lập đã trở thành "siêu thị" nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Nơi đây thường bán các sản phẩm như bi đất, chè ướp, giấy dó… Cụ Lập có hai người con trai là ông Trần Hữu Đạt và Trần Hữu Tước, ông Trần Hữu Đạt có vợ là bà Lê Thị Thanh Tân, cũng là người trông coi nơi này ở thời điểm hiện tại.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 6.

Một trong những điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà số 42 Hàng Cân là toàn bộ tầng 2 từ sàn nhà, cột gỗ, cửa sổ, cửa ngoài, hệ thống cầu thang,... đều được làm bằng gỗ lim. Phố Hàng Cân có kích thước nhỏ hẹp hơn so với các tuyến phố khác. Sau này, phố được chính quyền địa phương cho mở rộng lại mới có hình hài như hiện tại. Trước đây, phố Hàng Cân chứa đựng rất nhiều kiến trúc nhà ở hình ống, tầng một có đến hai, ba sân trời. Và căn nhà số 42 được xem là một trong những kiến trúc hiếm hoi vẫn còn lưu lại dấu tích xưa được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 7.

Chị Mai Hoa (40 tuổi), một người dân từng có cơ hội trò chuyện với cụ Trần Hữu Đạt chia sẻ: "Cách nay 20 năm tôi ghé thăm ngôi nhà này, được hỏi chuyện cụ Đạt, khi ấy cụ đã tầm 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, trí nhớ tốt. Nhà cổ nhưng ở, sinh hoạt rất khổ: tường nhà chảy nước, ẩm ướt, xà nhà mọt. Chỉ mong chính quyền cho trùng tu bài bản, những người chủ nhà có nơi ở đẹp, sạch, an toàn, cùng tham gia phối hợp làm du lịch di sản".

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 8.

Hiện nay, nhà số 42 Hàng Cân không chỉ được biết đến bởi lối kiến trúc xưa cũ mà còn là một địa điểm cung cấp giấy dó, giấy lụa nổi tiếng. Mặc dù không được thiết kế nổi bật hay treo biển hiệu dễ nhìn nhưng cửa tiệm nhỏ này vẫn được rất nhiều vị khách trong nước và quốc tế tin tưởng ghé thăm, mua bán.

Cận cảnh ngôi nhà cổ được ví như "hộp diêm" giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 9.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nhà cổ số 42 phố Hàng Cân không chỉ mang nét đẹp đặc biệt của lối kiến trúc Việt Nam đương thời mà còn là một nhân chứng tiêu biểu cho những năm tháng thăng trầm của Thủ đô Hà Nội.