Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Tiếng rao đêm Hà Nội gợi bao thương nhớ

Tạ Thị Thanh Hải (Hưng Yên) 24/07/2022 07:24 GMT+7
Nghe tiếng rao quen thuộc về món ăn yêu thích, cánh cổng nhỏ lịch xịch mở ra đón nhận món quà sáng như đón nhận nguồn năng lượng tươi vui cho một ngày mới. Sau những tiếng rao, những thức quà sáng trao tay, trao gửi cả sự chân thành tận tâm...

Không xa hoa tráng lệ như Sài Gòn, không dịu dàng mộng mơ như Huế, nhưng Hà Nội lại có những điều khiến người ta vời vợi nhớ thương khi đi xa và ngay cả khi vẫn đang ở giữa lòng thành phố. Có những điều rất khó gọi tên trong cảm thức của những trái tim trót yêu thành phố hơn ngàn năm tuổi này. 

Một âm thanh xao động, một khoảnh khắc bất chợt cũng có thể neo đậu lại trong kí ức mỗi người những sợi tơ cảm xúc vấn vương. Đã bao lần đến với Hà Nội trong nhiều thời khắc và những hoàn cảnh khác nhau, không hiểu sao lần nào tôi cũng cảm thấy xao lòng bởi một thứ âm thanh giản dị mà ngàn ngạt thân thương, ấy là những tiếng rao.

Nhịp sống của Hà Nội cựa mình khởi sắc qua từng ngày, có ồn ã náo nhiệt, lại có tĩnh lặng nên thơ. Ngày mới ở thành phố bắt đầu bởi biết bao âm thanh nhưng với tôi, những tiếng rao vẫn là thanh âm cuốn hút và gợi cảm giác thật bình yên. 

Tiếng rao cất lên đánh thức những con đường còn giăng mắc hơi sương. Tiếng rao đồng hành với những gánh hàng rong, với những chiếc xe đạp lọc cọc hộp đồ nghề phục vụ nhu cầu sửa chữa nhỏ. 

Ký ức Hà Nội: Tiếng rao đêm Hà Nội gợi bao thương nhớ - Ảnh 1.

Người lao động mưu sinh trong đêm ở Hà Nội, kèm theo đó là những tiếng rao gần gũi, thân thương. Ảnh: Tạ Thị Thanh Hải.

Và trong chuỗi âm thanh ấy, tiếng rao bán đồ ăn có lẽ gần gũi thân thương nhất. Từ bánh mì, bánh bao, xôi khúc đến bánh rán, ngô luộc, cơm nắm muối vừng... Biết bao thức quà sáng bình dân được mang đến từng con ngõ nhỏ. 

Nghe tiếng rao quen thuộc về món ăn yêu thích, cánh cổng nhỏ lịch xịch mở ra đón nhận món quà sáng như đón nhận nguồn năng lượng tươi vui cho một ngày mới. Sau những tiếng rao, những thức quà sáng trao tay, trao gửi cả sự chân thành tận tâm.  

Vài ba lời hỏi han chia sẻ, những đồng tiền lẻ có thể nhàu nhĩ mà ấm áp nghĩa tình, những gánh hàng rong nhẹ dần, vợi bớt lo toan. 

Cũng có khi mặt trời đã lên mà đâu đó vẫn còn những tiếng rao uể oải ngắt quãng, thưa dần theo những bước chân chầm chậm, tan loãng giữa biết bao âm thanh ồn ã phố phường. Nghe nằng nặng âu lo…

Đêm, nhịp sống hối hả nơi đây như chùng xuống. Đâu đó vẫn có những con phố còn thao thức với lung linh ánh đèn, rộn rã tiếng nhạc. Dòng người xe lấp loáng nối dài những con đường, nối dài những khao khát mưu sinh. 

Đêm lắng lại dịu dàng trầm mặc. Khẽ khàng thao thiết, da diết bâng khuâng, tiếng rao đêm như lọt thỏm giữa không gian mênh mông huyền ảo trên những con phố nhỏ hun hút vàng vọt ánh đèn, xao xác thoảng qua mà vương vất quấn riết như một khúc vĩ thanh dịu dàng của cuộc sống.

Có người bảo rằng một trong những điều đặc trưng của Hà Nội là tiếng rao. Thực ra tiếng rao thì nơi nào cũng có. Nhưng với riêng tôi, không ở đâu tiếng rao lại quyến luyến nhớ thương như ở phố phường Hà Nội. Tiếng rao miên mải bốn mùa, luênh loang trong nắng, rả rích trong mưa. Phố xá đêm ngày thấu hiểu tiếng rao quen. 

Ký ức Hà Nội: Tiếng rao đêm Hà Nội gợi bao thương nhớ - Ảnh 3.

Những người bán hàng rong, kèm theo đó là tiếng rao từ bánh mì, bánh bao, xôi khúc đến bánh rán, ngô luộc, cơm nắm muối vừng. Ảnh: Ảnh: Tạ Thị Thanh Hải.

Ngày trước, người ta rao miệng bằng những chất giọng trầm ấm đậm chất vùng miền của những phận đời quê lên phố mưu sinh. Ngày nay, nhiều tiếng rao đã được thu âm, lanh lảnh phát ra từ những chiếc loa di động, sức người bớt đi nhưng sự nhọc nhằn thì vẫn còn bám riết những vòng xe chầm chậm lăn trên phố vắng, vẫn oằn xuống những gánh hàng rong, ngàn ngạt đọng trong bao giọt mồ hôi rịn trên khuôn mặt nhễ nhại rám nắng. 

Khi thành phố có quy định cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố chính, tiếng rao thưa thớt cất lên trong những con ngõ nhỏ như một nốt nhạc trầm giữa bản hoà ca sôi động, mỏng mảnh nhạt nhoà nhưng vẫn ăm ắp niềm tin về bao ước mơ giản dị của những bước chân tha phương. 

Đại dịch Covid-19 hoành hành, nhịp sống của Hà Nội dường như ngưng trệ trong những hộp vuông bê tông xám ngắt, tiếng rao bỗng đâu ngưng bặt. 

Người ta tạm quên đi âm thanh quen thuộc ấy bởi bên tai cứ văng vẳng tiếng còi xe cứu thương hú hét khắp đường và tiếng loa phường ran ran kêu gọi người dân nêu cao ý thức phòng chống dịch. 

Thế rồi dịch bệnh cũng dần được kiểm soát, Hà Nội hồi sinh trong từng nhịp thở, từng ánh mắt lấp lánh yêu thương gửi trao tin tưởng. Nhịp sống trở lại bình thường. Những tiếng rao lại thánh thót đánh thức bình minh, lại ngân nga trong đêm như tiếng đồng vọng thiết tha của biết bao tấm lòng.

Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại với biết bao tiện ích nhưng có nhiều người vẫn đón đợi tiếng rao cất lên mỗi sớm mỗi khuya, như muốn mở lòng mình để lắng nghe những thanh âm đã vấn vương trong tiềm thức. 

Dòng đời hối hả chảy trôi, có thể một ngày nào đó những tiếng rao sẽ chỉ còn vọng về từ hoài niệm, biết đâu tâm hồn ta sẽ có lúc thấy hoang hoải bâng khuâng. Còn những tiếng rao ấy là còn những bước chân lang bạt mưu sinh, nhưng cũng là cơ hội nhỏ nhoi để ta kéo gần khoảng cách với nỗi niềm chia sẻ cảm thông...

Bài viết Tiếng rao đêm Hà Nội gợi bao thương nhớ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.