Theo đó, nhu cầu ổn định từ các khách hàng doanh nghiệp FDI và trong ngành xăng dầu và sắt thép kết hợp với kỳ vọng đồng USD tăng giá đã khiến tỷ giá hối đoái tăng mạnh.
Kết quả là tỷ giá liên ngân hàng đôi khi tăng lên đến 23.450, vượt mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước là 23.400 VND/USD.
Tại chợ đen, tỷ giá USD dù đang dao động quanh mức 24.370 đồng/USD, nhưng trong tuần qua có thời điểm giá USD tại chợ đen được bán ra với giá "đắt đỏ" kỷ lục là 24.700 đồng/USD.
Bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, kể từ tuần trước đến nay, các tổ chức tín dụng đã được mua hơn 1,4 tỷ USD giao ngay từ Ngân hàng Nhà nước để tạm thời đáp ứng nhu cầu đang cao. Trong đó, giá trị đăng kí mua của tuần trước ước tính khoảng 800 triệu USD.
Theo dự kiến của các chuyên gia tại đây, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục biến động mạnh. Tuy nhiên, quy mô bán USD không đồng nghĩa lượng sụt giảm tương đương ở quỹ dự trữ ngoại hối do chưa tính đến các nguồn thu USD (xuất nhập khẩu, FDI, kiều hối) và dòng USD xuyên biên giới.
Thanh khoản USD hệ thống cũng chịu tác động tương đối khi Kho bạc Nhà nước chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
Kể từ đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã 9 lần thông báo chào thầu mua USD với tổng giá trị chào mua giao ngay là khoảng 1,0 tỷ USD. Trong đó, lần chào mua gần nhất là ngày 19/7 với quy mô 35 triệu USD, vốn dự kiến giao dịch vào ngày 20/7/2022.
Tỷ giá USD/VND dự báo tăng 3%, sớm muộn gì USD cũng giảm giá
Đồng quan điểm, dự báo của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, VND có thể giảm giá tương đối so với USD, vào khoảng 3% trong 2022.
Theo đó, các chuyên gia đánh giá cao khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, do đó duy trì dự báo năm 2022, USD sẽ lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác.
Hiện nay, xu hướng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng các ngân hàng trung ương lớn đang tiếp diễn, đi đầu là các động thái mang tính diều hâu hơn của Fed hay Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong giai đoạn tới.
Hơn nữa, nguồn cung ngoại tệ trong nước cũng không thực sự thuận lợi do căng thẳng địa chính trị làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư và giá nguyên nhiên, vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước.
Diễn biến này khiến cho quá trình tăng cường nguồn lực dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn so với các năm trước đây – theo các nhà phân tích.
Mặc dù vậy, các yếu tố bất định vẫn diễn ra trên thế giới, và các nhà đầu tư sẽ dần làm quen với thực tế các yếu tố bất định luôn tồn tại và phải thích ứng với các sự kiện này. Do vậy, dòng tiền vẫn sẽ tìm đến quốc gia đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cùng tăng trưởng khả quan như Việt Nam.
Chia sẻ với Dân Việt, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm cho rằng, không sớm thì muộn đồng bạc xanh cũng sẽ giảm giá so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ, trong đó có VND.
"Các đồng tiền đối tác của Mỹ chưa một nước nào tăng lãi suất, vẫn duy trì chính sách bằng 0 hoặc âm. Hoặc nếu có điều chỉnh, mức điều chỉnh rất nhỏ giọt, đặc biệt là Nhật Bản và EU gần như chưa thắt chặt tiền tệ. Cho nên, dẫn tới đồng USD tăng giá mạnh.
Nhưng đồng USD sớm muộn gì cũng sẽ giảm giá, không thể ở mức cao như hiện nay. Các đồng tiền khác như Yên Nhật, Bảng Anh, hay Euro,... sẽ tăng giá trở lại vì các quốc gia này sớm muộn gì buộc phải điều chỉnh lãi suất tăng lên.
Trong khi đó, nhịp độ tăng lãi suất của Mỹ có lẽ cũng phải chậm lại, không thể tăng mức cao 0,75 điểm % hay 1 điểm % được", TS.Lê Xuân Nghĩa cho hay.