Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó.
Tháng 6, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1%, đạt gần 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU chững được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi.
Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán; hậu quả Covid-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.
Trong top 4 thị trường chính của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ giảm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc không tăng trưởng mạnh như tháng trước đó trong khi xuất khẩu sang Nhật và EU vẫn ổn định.
Không chỉ giảm ở thị trường Trung Quốc, theo VASEP, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 6 lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng tốt từ đầu năm tới tháng 4, tháng 5 xuất khẩu bắt đầu chững và giảm tương đối mạnh trong tháng 6. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 483 triệu USD, tăng 10%.
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững.
Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho còn nhiều. Những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt hơn.
Tháng 5/2022, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 75.484 tấn, trị giá gần 719 triệu USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lần đầu tiên trong 38 tháng, nhập khẩu tôm của Mỹ giảm so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhu cầu thị trường Mỹ được dự báo tăng nhẹ sau tháng 9 để phục vụ cho nhu cầu của Lễ hội cuối năm.
Tại thị trường Nhật Bản, VASEP cho biết, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này khá ổn định trong nửa đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng dương liên tục dao động từ 6%-23%. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn duy trì ổn định từ nay đến cuối năm. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như tới Mỹ, EU; mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, EU. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ cho XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản.
Tương tự thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang EU khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 6 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 37% đạt trên 74 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu sang thị trường này đạt 378 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý 2 năm nay thấp hơn so với các tháng quý 1. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD.
Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, sau khi tăng mạnh 3 con số 125%-140% từ tháng 3 đến tháng 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 tăng 32% đạt gần 58 triệu USD. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 84%. Thị trường này được đánh giá có nhu cầu tiêu thụ tốt từ nay đến cuối năm.
Gần đây, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhiều quy định phòng dịch Covid-19 được nới lỏng. Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam.
VASEP nhận định, tình hình xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ không khởi sắc như đầu năm. Doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu và những thách thức còn tồn tại từ nửa đầu năm.
Tuy nhiên, thành quả của 6 tháng đầu năm được coi như là nền tảng để ngành tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi tôm, sách lược thị trường phù hợp của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD.