Các dự án đảm bảo tiến độ, đem lại hiệu quả cả về mặt sản lượng và thu nhập cho hộ tham gia dự án, đặc biệt là giúp bà con nâng cao trình độ canh tác qua việc sử dụng máy móc, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới…
Nghề nuôi cá bống bớp đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên những năm gần đây, nuôi cá bống bớp đã trở thành nghề chính của hàng trăm hộ dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Thời điểm năm 2021, toàn hộ có gần 300 hộ nuôi cá bống bớp trên diện tích hơn 700ha, tổng sản lượng đạt gần 2.500 tấn mỗi năm.
Ngoài khai thác và thu mua con giống tự nhiên về nuôi thành cá bống bớp thương phẩm, nhiều hộ đã nuôi được cá đẻ trứng và tiến hành cho ấp nở nên nguồn cá giống. Từ lúc ương cá giống đến khi xuất bán thành phẩm cá bống bớp mất 12-15 tháng, giá thành 240.000-350.000 đồng/kg.
Trung bình, mỗi ha nuôi cá bống bớp cho thu hoạch khoảng hơn 4 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Ví dụ trong nuôi tôm, các mô hình sử dụng sàn cho ăn tự động, vệ sinh ao nuôi bằng máy hút; dùng hệ thống máy sục khí ao nuôi để tăng cường oxy trong ao…
Ông Nguyễn Văn Sơn - người được mệnh danh là "vua cá bống bớp" ở thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) chia sẻ, trước đây, trong quá trình nuôi, ông cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề con giống, do phải đi khai thác ngoài tự nhiên, nuôi vỗ thành cá thương phẩm nhưng lại phụ thuộc vào mùa vụ, kích cỡ không đồng đều khó cho việc chăm sóc. Chính vì vậy mà ông đã quyết định đầu tư sản xuất giống nhân tạo bằng việc liên hệ với các chuyên gia thủy sản ở Hải Phòng tìm ra công nghệ ương giống cá bống bớp, rồi đầu tư xây dựng trại giống với công nghệ hiện đại.
Đến nay, trại cá giống của ông Sơn đã đi vào chuyên môn hóa quy trình sản xuất, số lượng cá ương tăng dần từng năm. Với 104 bể ương (mỗi bể có thể tích 6m3), ông Sơn nuôi hơn 1 tấn cá bống bớp bố mẹ, mỗi năm sản xuất hơn 9 triệu con giống.
Nhằm giúp bà con nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế từ con cá bống bớp và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đầu tháng 4/2022, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp", với 3 hộ tham gia trên địa bàn xã Nghĩa Bình và xã Nam Điền. Ngày 15/4/2022, Trung tâm Khuyến nông Nam Định tiến hành thả cá bống bớp giống cho các hộ tham gia, quy mô 1ha/mô hình.
Sau gần 3 tháng nuôi thả, cá đạt trung bình 50 gam/con, tỷ lệ sống ước đạt 90%, năng suất đạt 2,94 tấn/ha. Khi cho cá ăn thức ăn công nghiệp, cá lớn đồng đều, không có dịch bệnh xảy ra, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 15% so với mô hình nuôi cá bằng thức ăn tươi sống (cá, tép nhỏ…).
Bà Ngô Thị Hồng Vân - cán bộ Trung tâm Khuyến nông Nam Định cho biết, trước đó, từ năm 2020-2021, Trung tâm cũng đã triển khai xây dựng một số mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp tại xã Nghĩa Lâm và xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng.
Sau 9 tháng triển khai (từ tháng 9/2020 -6/2021), mô hình cho kết quả rất tích cực. Tỷ lệ sống trung bình của cá bống bớp nuôi bằng thức ăn công nghiệp đạt 81%, cao hơn 1,25% so với yêu cầu. Kích cỡ cá thu hoạch đạt 90,2 gam/con, cao hơn 0,2 gam/con so với yêu cầu; tổng sản lượng thu hoạch đạt 7.306kg. Năng suất trung bình đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn 0,1 tấn/ha so với yêu cầu.
Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá bống bớp nuôi bằng thức ăn công nghiệp là 1,97, thấp hơn 0,03 so với yêu cầu và thấp hơn nhiều so với hệ số chuyển đổi thức ăn của cá bống bớp nuôi bằng cá tạp và tép moi (trung bình 8,0). Mô hình được đông đảo người nuôi trong vùng hưởng ứng đến tham quan, học tập và nhân rộng.
Nâng cao giá trị nghề nuôi trồng, khai thác
Trong năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng phối hợp các địa phương triển khai dự án "Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại Bắc Giang; Dự án "Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò", với điều kiện sóng gió tại vùng vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà; Dự án "Xây dựng mô hình ương giống cá tra ứng dụng công nghệ cao liên kết tiêu thụ tại các tỉnh Nam Bộ", triển khai tại tỉnh Tiền Giang tạo con giống cá tra đảm bảo chất lượng, nâng cao tỷ lệ sống từcá bột lên cá giống lên trên 50%.
Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm, cá chiên theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang. Dự án thả giống đã được gần 3 tháng, cá sinh trưởng và phát triển tốt, đạt cỡ 300-400g/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Bên cạnh các dự án nuôi trồng, một số dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm thuỷ sản cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng 6 mô hình tàu lưới vây sử dụng đèn led chuyên dụng kết hợp ánh sáng đánh bắt cá vùng biển khơi.
Mỗi tàu được dự án cung cấp 50 đèn led, giúp tiết kiệm 30-60% nhiên liệu chạy máy phát điện; giảm 18 - 22% chi phí chuyến biển; lợi nhuận trung bình tăng 25 - 40% mỗi chuyến biển.