Hát bội hay hát bộ là cách gọi khác của nghệ thuật tuồng, du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ 13. Nhiều nhà nghiên cứu sau này khẳng định nghệ thuật hát bội ở Việt Nam có nhiều đặc điểm giống với Kinh kịch Trung Quốc ở cách vẽ mặt, trang phục rực rỡ đi kèm nhiều phụ kiện và những quy chuẩn riêng về giữ hơi, xuống giọng, lên giọng, hát xen lẫn với nói.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Đào Duy Từ là người đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng cổ ở Việt Nam. Khi du nhập vào nước ta, hát bội được coi là một lối diễn nặng tính ước lệ và khuếch đại hơn sự thật ngoài đời.
Trước khi cải lương và kịch nói cùng các loại hình ca diễn khác xuất hiện, hát bội được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người miền Nam. Lịch sử hát bội ghi nhận nhiều soạn giả nổi tiếng như Đào Tấn, Bùi Hữu Nghĩa, Hoàng Châu Ký.. với những vở diễn từng làm nức lòng công chúng một thời như Nguyệt Cô hóa cáo, Phụng Nghi Đình, Kỷ Lan Anh, Tạ Ôn Đình chém Tá, Quan Công Tử Bình...
Đầu thế kỷ 20, do không cạnh tranh nổi với cải lương và kịch nói, tuồng cổ dần trở nên kém hấp dẫn với khán giả.
Giáo sư Trần Văn Khê từng nói về sự thoái trào của hát bội: "So với cải lương, câu chuyện của các nhân vật trong tuồng không còn gần gũi và phù hợp với thời đại. Việc sân khấu hóa, truyền hình hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát bội khiến chúng dần trở nên nhạt nhòa trong tâm thức dân gian. Khi có sự can thiệp của đạo diễn, máy móc, những loại hình này dễ bị so sánh với các hình thức nghệ thuật hiện đại khác và dần trở nên khập khiễng so với nhu cầu hưởng thụ của những khán giả ngày càng được trẻ hóa".
Hiện nay, hát bội gần như không có đất diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Trụ sở của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM đã đóng cửa từ năm 2010.
Nhiều năm nay, hơn 30 nghệ sĩ của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM mỗi năm nhận lèo tèo vài suất diễn tại các lễ cúng đình, miếu với thù lao từ 70.000 đồng đến 500.000 đồng.
Suất diễn một năm chỉ có vài lần, lương và phụ cấp không đủ sống, nghệ sĩ xoay sở những công việc lao động chân tay để mưu sinh. Họ không khỏi tủi thân khi càng ngày khán giả càng thờ ơ với hát bội.
Phần hát bội trong các lễ cúng đình, miếu ngày càng được tiết giảm tối thiểu, thay vào đó là những tiết mục biểu diễn múa bóng rỗi hoặc ca cải lương.
Nghệ sĩ hát bội Hữu Lập kể: “Bây giờ lễ hội người ta mời nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Họ hát một tiếng thù lao mười mấy triệu, bằng tôi đi hát hơn nửa năm. Hết cải lương là họ rút đi hết, còn lại lơ thơ vài người già xem hát bội. Nhìn xuống dưới thấy khán giả rúm ró, khép nép cứ như sở thích của họ có gì đó... xấu hổ lắm vậy”.
Ở tuổi 78, nghệ sĩ Hữu Lập nhiều năm nay vẫn được xem là một trong số ít những nghệ sĩ lão thành còn gắn bó với hát bội, khi những người cùng trang lứa hoặc trẻ hơn ông đã giã từ sân khấu.
Khi cha đau yếu sớm từ bỏ nghiệp hát, những tưởng ông phải bỏ nghề. Vậy mà tình yêu với tuồng cổ vẫn níu ông lại, dù phải vừa đạp xích lô, vừa lo chăm cha già yếu.
“Nghệ sĩ hát bội, người đi bán kẹo kéo, bán bong bóng, xoay sở đủ nghề có con đường mở ra cho hát bội sống. Có lúc, khó khăn quá, anh em bạn bè, gia đình hùn tiền mua một chiếc xe xích lô cho tui tập chạy chở khách. Không quen bị lóng ngóng, xe cứ bị lật, đổ rớt đồ, khách đâu có chịu đi với mình chi nữa", ông kể.
Nghệ sĩ tuồng cổ lão thành nghẹn giọng kể tiếp: "Một bận, có người đi xích lô rồi nhờ bưng bao gạo lên chung cư, nói chú rinh lên tui cho tiền thêm, tui hì hục rinh bao gạo lên lầu mới biết người ta gạt mình đặng lấy chiếc xe xích lô! Ráng chạy đuổi theo, qua tới mấy cái ngã tư mong bắt kịp, lấy lại được chiếc xe. Đến khi đuối sức không theo nổi, đành chịu chấp nhận sự thật rằng, cái phương tiện kiếm cơm duy nhứt của mình không còn. Vậy mà tui vẫn không thể bỏ tuồng được”.
Ông Ba Hưng, nghệ nhân của đoàn Long Phụng nổi tiếng một thời, nhớ lại: "Người chuyển qua đóng kịch, đóng phim. Kẻ thì buôn thúng, bán mẹt. Tôi ra đứng ở ngã ba cầu Phú Long trên quốc lộ 13 chạy xe ôm. Giờ tan tầm, có đông công nhân, người lao động tan ca nên mỗi ngày cũng kiếm được vài ba cuốc, được năm bảy chục ngàn, đủ sống qua ngày".
Thời hưng thịnh của hát bội, ông Ba Hưng chuyên đóng vai thiên tử. "Đi đâu cũng trống lọng, cờ buông, thét một tiếng ai ai cũng run sợ, vung gươm một lần mở mang bờ cõi, tan tác quân thù. Vậy mà trút bỏ xiêm y về với đời thường, tôi chỉ là anh xe ôm đầu đường cuối chợ, ngay cả một căn nhà cũng không có. Mỗi lần đi diễn thường lưu trú nhờ tại các đình miếu mà thôi", nghệ nhân già ngậm ngùi.
Cùng cảnh ngộ với ông Ba Hưng, nghệ sĩ khác trong đoàn Long Phụng - Thanh Thủy, mở quán cà phê cóc ven đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP.HCM để mưu sinh và nuôi hai con nhỏ. Mỗi lần có đồng nghiệp cũ rủ đi hát, bà lại đóng cửa hàng, gói ghém phục trang để đi diễn cho thỏa nỗi nhớ nghề dù biết thù lao không thể bằng một ngày bán cà phê.
Trút bỏ áo mũ uy nghiêm, các nghệ sĩ hát bội trở thành những ông bóng, bà bóng hát và làm trò tạp kỹ. Bóng Bảy Phước - hậu duệ của một gánh tuồng cổ có đến ba đời đứng trên sân khấu - chuyển sang hát múa bóng rỗi và đào tạo đệ tử khi tuồng thoái trào.
"Tôi hát được nhưng những trò tạp kỹ như múa mâm vàng, múa đao, thổi lửa... không thể cạnh tranh được với người làm trò nghiệp dư", Bảy Phước cho biết.
Bóng Bảy Phước kể, các đình, miếu bây giờ rất chuộng cải lương, nơi nào mời được nghệ sĩ cải lương có tên tuổi về diễn, nơi đó càng chứng tỏ được cái uy và tiềm lực kinh tế của mình. "Chúng tôi cũng cố học cải lương giọng Hồ Quảng để thích nghi với thời cuộc nhưng cũng chỉ nhận được những show lẻ có giá chừng chục triệu đồng cho cả đoàn với mấy chục con người".
Hàng ngày, nghệ nhân Bảy Phước cùng con gái bán nước mía lề đường kiếm sống. Mẹ con bà cùng hai người cháu thuê trọ trong một căn phòng rộng chừng 30m2 tại một con ngõ hẹp trên đường Lê Văn Lương, quận 7.
Nghệ nhân Lê Minh Hùng, với tài nuốt rắn, múa mâm... cũng chỉ đắt show vào mùa xuân, từ tháng 1 tới tháng 3, khi các đình, miếu diễn ra lễ cúng. Hàng ngày, anh đào tạo đệ tử, chạy xe, múa tạp kỹ trong những quán nhậu lề đường, kiếm tiền bằng công việc mua vui cho khách đầy nguy hiểm.
“Làm nghề cực, nguy hiểm nhưng đam mê ngấm vào máu, tôi vẫn thấy vui. Mỗi khi nhạc lễ nổi lên, khán giả vây kín chung quanh là tôi quên hết mình là ai. Tôi cứ thăng hoa theo tiếng nhạc, theo tiếng vỗ tay, những lời hò hét của khán giả mà say mê thể hiện tất cả những gì mình có. Nếu chẳng may chết trong lúc đang biểu diễn, tôi cũng cam lòng”, nghệ nhân Lê Minh Hùng tâm sự.