Dân Việt

300.000 hộ dân miền Tây được hỗ trợ trồng lúa tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính

Huỳnh Xây 26/07/2022 14:30 GMT+7
Trong 5 năm (2022-2027), dự án dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 300 nghìn hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào, đồng thời giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2.

Hôm nay 26/7, tại TP.Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức hội thảo khởi động dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Hỗ trợ 300 nghìn hộ dân miền Tây trồng lúa tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại hội thảo khởi động dự án "chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL". Ảnh: Huỳnh Xây.

Theo thông tin từ hội thảo, trong 5 năm (2022-2027), dự án dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 300 nghìn hộ dân trồng lúa tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào, đồng thời giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2. Dự án còn đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện và kiểm định quốc tế để nhân rộng tại Việt Nam.

Để làm được mục tiêu trên, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải xuống dân. Dự án có sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vùng ĐBSCL có diện tích lúa 3,9 triệu ha/năm, trong đó có 700 ngàn ha đất canh tác 3 vụ; tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn (chiếm 56% cả nước); cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Theo ông Tùng, sản xuất lúa cũng là nguồn phát thải khí nhà kính. Do vậy, áp lực sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ngày càng lớn đối với nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.

Hỗ trợ 300 nghìn hộ dân miền Tây trồng lúa tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 2.

Trong 5 năm (2022-2027), dự án dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 300 nghìn hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào, đồng thời giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2. Ảnh: Huỳnh Xây.

"Nỗ lực giảm phát thải từ sản xuất lúa đang gặp những trở ngại như: các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải; thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp; nhiều vùng có điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo để áp dụng các biện pháp giảm phát thải" - ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, nhận thức của người dân trong việc giảm phát thải từ sản xuất lúa còn hạn chế; chi phí cho sản xuất lúa theo quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính vẫn còn cao; quản lý nguồn phát thải chưa tối ưu (rơm rạ…); thất thoát sau thu hoạch còn cao (trên 10%)…

Theo một số báo cáo tại hội thảo, tại Đông Nam Á, 5% lượng CO2 thải ra do các hoạt động canh tác lúa. Hoạt động canh tác lúa sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh là CH4 và N2O. Riêng ở Việt Nam, khí thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm 25-30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa.

Dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL" được tài trợ từ 10-15 triệu đô la Úc từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc. Dự kiến thực hiện tại 3 tỉnh sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.