Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm đường Lê Văn Lương trong việc cấp phép xây dựng của UBND quận Thanh Xuân. Cụ thể, UBND quận Thanh Xuân cấp 10 giấy phép xây dựng không đúng về diện tích sàn, chiều cao công trình. Trong đó, có giấy phép xây dựng không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở; các giấy phép xây dựng cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận; các giấy phép xây dựng cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng vi phạm luật Xây dựng 2014.
UBND quận Thanh Xuân phải chịu trách nhiệm khi để hàng loạt dự án sai phạm đường Lê Văn Lương tồn tại (Video: Thái Nguyễn)
Đơn cử, tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, gần 10 năm qua đã xảy ra vi phạm tại hai Dự án bãi đỗ xe công cộng kết hợp trồng cây xanh, dịch vụ tại hai khu "đất vàng" số 66 và số 68 Lê Văn Lương. Những vi phạm trên đã được nêu ra đối với chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng và Công ty TNHH Phương Đông như xây dựng sai phép, sử dụng sai mục đích đất, sai mục đích công trình. Hiện nay, nhiều khu đất tại dự án của hai bãi đỗ xe công cộng tại phường Nhân Chính đã bị Chủ đầu tư "băm nát" để xây dựng nhà hàng, showroom... cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp thuê lại.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân không kiểm tra, không xử lý các vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng, để chủ đâu tư xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, sai quy hoạch được duyệt, không đảm bảo mục tiêu ban đâu là bãi đỗ xe, cây xanh, thực hiện không đúng trách nhiệm được UBND TP Hà Nội giao tại Văn bản số 2681/UB-KH&ĐT ngày 30/7/2004, vi phạm khoản 2 Điều 10 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Trách nhiệm thuộc UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (từ năm 2004 đến 2020) và chủ đầu tư. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND quận Thanh Xuân theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình dự thảo kết luận thanh tra, UBND quận Thanh Xuân đã có Quyết định sô 2641/QĐÐ-KPHQ ngày 16/10/2020 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quá buộc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc thi công xây dựng công trình không phép, số tiền hơn 5,4 tỷ đồng (hoạt động sai phép 12 năm từ năm 2008 đến 2020).
Hiện nay, các cơ sở này vẫn đang hoạt động bình thường (đại lý Yamaha, Vinfast, Xuân Cầu, Đại lý Mazda,…). Ngoài ra, dự án số 66 Lê Văn Lương cũng chưa bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tại ô đất 3.10-N0 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân vẫn để chủ đầu tư đang "âm thầm" thi công phần hầm công trình N01 thuộc dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê – nhà ở ngay bên cạnh tòa nhà Handiresco Complex (là giai đoạn 1 của dự án). Trong khi, dự án này đang trong quá trình thanh tra và mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những sai phạm của dự án này.
Trao đổi với Dân Việt, Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Hương Giang, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng nếu đơn vị nào có hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt thì bị phạt tiền và buộc áp dụng biện pháp khắc phục là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi vi phạm nêu trên theo điểm d khoản 11 điều 15 Nghị định 139/2017/ NĐ-CP.
"Tôi cho rằng việc để sai phạm tồn tại trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận thì đây rõ ràng là việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng", luật sư Giang chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân; UBND phường Nhân Chính; Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị khi để các chủ đầu tư xây dựng công trình không phép, sai quy hoạch mà không bị xử lý, tồn tại bao nhiêu năm nay.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, ví dụ như dự án số 68 sai phạm đường Lê Văn Lương từ năm 2008 đã đi vào hoạt động mà đến năm 2020 mới bị xử lý là vô cùng chậm chạp. Điều này cũng cho thấy vi phạm của chủ đầu tư nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được khôi phục đúng hiện trạng theo quy hoạch.
"Tôi cho rằng các dự án sai phạm thì phải tháo dỡ, buộc khôi phục nguyên trạng, trả lại dự án phục vụ công cộng như ban đầu đã đề ra. Không thể phạt cho tồn tại một dự án lớn như vậy. Vì quy hoạch là bãi đỗ xe, cây xanh là không gian phục vụ công cộng không thể chiếm đoạt để kiếm lời", ông Phú chia sẻ.