Dân Việt

Cán bộ công an phường ở Hải Phòng chiếm đoạt ôtô của người dân, có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 27/07/2022 07:12 GMT+7
Một cán bộ Công an phường ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng vừa bị tước danh hiệu Công an nhân dân, khởi tố bắt tạm giam để điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật hình sự quy định thế nào về hành vi này?

Cán bộ công an phường ở Hải Phòng bị khởi tố, tước danh hiệu

Ngày 26/7, Công an TP Hải Phòng cho biết, Giám đốc Công an TP đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân với Nguyễn Khắc Cường (30 tuổi, cán bộ Công an phường Bàng La, quận Đồ Sơn).

Cán bộ công an phường ở Hải Phòng chiếm đoạt ôtô của người dân, có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Kết quả điều tra, giải quyết tố giác về tội phạm có đủ căn cứ xác định Nguyễn Khắc Cường có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt xe ôtô của anh N.S.Đ. Ảnh minh họa.

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Cường để điều tra hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Công an TP Hải Phòng nhận được đơn tố cáo của anh N.S.Đ. (trú xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) về việc Nguyễn Khắc Cường (cán bộ Công an phường Bàng La, quận Đồ Sơn) có hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân.

Kết quả điều tra, giải quyết tố giác về tội phạm có đủ căn cứ xác định Nguyễn Khắc Cường có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt xe ôtô của anh N.S.Đ., phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015.

Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản.

Sau khi đã nhận được tài sản của người khác một cách hợp pháp, người thực hiện vi phạm mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý.

Trong đó, thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Ngoài ra, người không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức chiếm đoạt tài sản thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Về mức phạt, bà Thơ cho biết, Điều 175 Bộ luật hình sự quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4  đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Còn chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Người bị chứng minh là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể phải đối mặt với các khung hình phạt như trên.