Bánh "nổi trôi" làm từ bột sắn (khoai mì) là món ăn có từ xa xưa của người dân nghèo xứ Quảng.
Hằng năm, cứ vào tháng Giêng, nhà tôi bắt đầu thu hoạch sắn trên rẫy. Lúc này trời nắng to, việc nhổ xắt, phơi phong, trồng lại… khá thuận tiện. Sắn lát sau khi xắt được rửa sạch, ngâm với nước chua khoảng 2 – 3 ngày, rửa lại để ráo nước và phơi trên những cái nong sạch sẽ. Vài ba nắng khô khan, mẹ mang cất vào ghè để sáo (ghế) cơm ăn dần, thi thoảng mẹ mang ra giã bột làm các món bánh như: bánh ít với nhân hạt mít luộc hoặc đậu đen, nấu chè ngọt, nấu cháo... Nhưng tôi thích nhất là món bánh "nổi trôi" mẹ làm thời bao cấp để cứu đói gia đình lúc giáp hạt…
Còn nhớ ở quê tôi vào thời bao cấp, lại thêm thiên tai bão lũ, hạn hán, mùa màng thất bát, các món bánh làm từ sắn tươi, bột sắn khô là món ăn trưa thường xuyên của nhà tôi. Tùy vùng, bánh sắn kiểu này được gọi bằng những cái tên khác nhau, có nơi gọi là bánh chập chập, có nơi gọi là bánh chẹp bẹp hay bánh nổi trôi. Sở dĩ gọi là bánh "nổi trôi" bởi vì khi nước sôi thả bánh (kèm lá) vào nồi, thời điểm bánh chín thì bánh nổi lềnh bềnh trên mặt nước đang bốc hơi và bánh có thể trôi (di chuyển) trong nồi do quá trình nước sôi làm cho bánh dập dềnh… cho nên người dân quê tôi gọi cái tên "nôm na" là bánh "trôi nổi" hay "nổi trôi" cũng được.
Tôi còn nhớ như in, để làm món này, mẹ tôi nhào bột sắn khô với nước, để khoảng ít lâu cho bột nở ra. Trong lúc chờ đợi, mẹ bảo anh em tôi đi ra vườn cắt lá chuối để vào "tráng bánh". Để tráng bánh, mẹ xé lá chuối với chiều ngang trên 20 phân rồi mẹ lau chùi lá sạch sẽ và thoa lên mặt lá chuối một ít dầu phộng để sau này dễ gỡ bánh ra khỏi lá. Mẹ lấy một miếng bột sắn khô đã nhào nước cho vào mảnh lá chuối đã cắt sẵn và dùng vá ép, nén, dập, chập, vỗ... làm cho miếng bột bẹt mỏng ra thành chiếc bánh nằm trên mảnh lá chuối, bánh có thể hình vuông, chữ nhật tùy theo khổ lá chuối.. Cứ "tráng" xong cái nào mẹ thả cái đó vô nồi nước đang sôi đồng thời nhanh tay dùng đũa vớt những cái bánh đã chín nổi trên mặt nước bày ra trên những chiếc mâm, rổ.
Nếu nồi rộng, mẹ có thể bỏ 2 hay 3 bánh một lần, cái nào nổi là chín vớt ra, bỏ cái khác vô, trong nồi luôn có bánh nổi trôi. Tay nghề là bánh phải mỏng vừa đủ, dày quá ăn không ngon, mỏng quá khi lấy bánh ra dễ bị rách bánh. Mùa nào thức đó, bánh trôi nổi có thể cuốn với rau sống, rau muống, tép xào… chấm với mắm nêm pha tỏi, ớt hay mắm rạm đồng pha tỏi, ớt, chanh mới ngon.
Để làm mắm rạm đồng ăn cả năm, vào những dịp cha tôi bắt được nhiều rạm, mẹ tôi rửa sạch rạm nhiều lần, tưới ít nước sôi cho chân, càng rụng bớt và cho vào cối đá đã sạch giã thật nhuyễn, vắt lấy nước cốt rồi cho vào cái hũ bằng sành với lượng muối thích hợp. Sau đó, bịt kín hũ mắm lại bằng bao nilon để gần "ông kiền" trên bếp cho ấm.
Hơi nóng từ bếp truyền qua, làm hũ mắm nhanh chóng lên men chuyển dần sang mùi thơm rất khó tả. Khoảng chừng 1 tháng, mẹ mang ra mở nắp khằng, một mùi thơm đặc trưng bay lên sực nức cả bếp. Múc ra chén, một lớp nước màu nâu sóng sánh rồi pha thêm ớt xiêm, tỏi băm và nước cốt chanh trông rất bắt mắt. Mắm rạm đồng này ăn với cơm, bún, bánh đúc và… khoai lang luộc và nhất là chấm với bánh sắn… đều rất thơm ngon với hương vị rất đặc trưng mà hiếm có loại mắm nào có được.
Bánh sắn dẻo, thơm cuốn với tép đồng, vị hăng nồng cố hữu của sắn bị át đi, chỉ còn lại vị bùi bùi hòa quyện trong cái béo của dầu phộng, cái thơm ngọt của tép, mùi thơm ngây ngây của hành lá, vị cay giòn của ớt tươi... Cầm cuốn bánh sắn nổi trôi nóng dẻo cuốn với tép đồng xào trên tay, vừa hít hà vừa ăn vừa nhìn ra ngoài trời mùa đông mưa gió lạnh lùng thì rất là thú vị.
Ngày nay, mỗi lần đi qua khu vườn nhà ai, thấy dáng bà mẹ quê đang lom khom phơi sắn lát, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ về mẹ tôi, cứ tưởng tượng mẹ đang phơi sắn năm nào. Giờ đây, anh em chúng tôi có đứa ở quê, có đứa làm ăn phiêu bạt góc phương trời, tuy kinh tế không khá lắm nhưng có thể đãi mẹ những món cao lương mỹ vị. Chợ quê ngày nay, có bán đủ các món ngon, vật lạ mà ngày ấy không hề có và nếu có thì chẳng có tiền để mua. Lúc này mẹ tôi đã thành người thiên cổ chưa được hưởng các món ngon vật lạ ngày nay có bán đầy đủ ở chợ quê.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.