Tại buổi làm việc, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc về tổ chức bộ máy, biên chế.
Theo đó, khi bố trí công chức, người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định số 34 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố gặp nhiều khó khăn.
TP kiến nghị sửa đổi điều 2, Nghị định số 34 theo hướng quy định khung số lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời cho chủ trương HĐND, UBND TP.HCM quyết định số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để đáp ứng yêu cầu, khối lượng công việc thực tế phát sinh của TP.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách hiện nay của người hoạt động không chuyên trách tại phường còn nhiều hạn chế, không được nâng lương định kỳ, mức đóng BHXH bắt buộc thấp, không có phụ cấp công vụ... trong khi khối lượng và áp lực công việc rất lớn.
Những quy định trên không đảm bảo đời sống của người hoạt động không chuyên trách, khó gắn bó lâu dài với đơn vị và gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn tại UBND phường.
Do đó, TP.HCM kiến nghị tùy đặc thù, quy mô, tính chất của từng địa phương để quy định số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phù hợp. Đồng thời, kiến nghị xây dựng hệ thống văn bản pháp lý thống nhất đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã đưa ý kiến về một số đề xuất của TP.HCM về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức của TP.HCM. Theo đó, Bộ Nội vụ đã phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.
"Chúng tôi mong các bộ, ngành tập trung, cái gì mình cởi được ra, phân cấp mạnh cho TP theo quán triệt của Thủ tướng thì cố gắng, không nên giữ làm gì. Tinh thần ủng hộ TP.HCM, tới đây tổng kết để đánh giá cái gì làm được, cái gì chưa được, cái gì cần phân cấp nhiều hơn nữa. Đây cũng là cơ hội của TP", ông Thừa nói.
Nói về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu do điều kiện công việc thực tế, TP.HCM đang dôi dư một số công chức, viên chức so với tổng biên chế được phân. Việc trả lương cho số công chức, viên chức này không sử dụng ngân sách Trung ương, mà lấy từ ngân sách TP. Tuy nhiên về quy định, việc này chưa ổn.
Ông Thừa kiến nghị Thủ tướng tới đây cho phép nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP.HCM về biên chế công chức, viên chức.
Đề cập về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nên nghiên cứu chính sách đặc thù này theo hướng nhìn nhận "đặc thù một phường của TP.HCM dân số có khi bằng một huyện ở tỉnh khác, cho nên cần nghiên cứu theo hướng tăng con người (biên chế công chức, viên chức) hoặc có cơ chế tăng lương cho công chức, viên chức".
Trước đó, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021.