Đặc biệt, người nông dân ấy hướng tới mục tiêu “từ nông trại tới bàn ăn”, với thương hiệu Hiền Hà Macadamia.
Người nông dân cao tuổi Nguyễn Thanh Hiền, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) hào hứng giới thiệu vườn mắc ca xen cà phê của gia đình.
Ông cho biết, trước nay, vùng Tân Phú chuyên trồng cà phê, đây là cây trồng chính của bà con. Nhưng có thời điểm cây trồng này gặp nhiều khó khăn do thị trường, giá cả bấp bênh, nông dân phải tìm thêm các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập.
Riêng ông Hiền, nhận thấy cây mắc ca là loài cây có triển vọng nên đã mua giống về trồng xen trong vườn cà phê. Đó là năm 2014, khi cây mắc ca vẫn còn khá mới mẻ với người nông dân Đức Trọng.
Chọn giống mắc ca chuẩn, chỉ 3 - 4 năm sau, mắc ca của gia đình đã cho trái. Và hiện tại, với 4 ha mắc ca xen cà phê, mỗi năm, mảnh vườn cung cấp hàng tấn mắc ca béo, ngọt và hàng chục tấn cà phê nhân xanh.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) giới thiệu về vườn mắc ca của gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, khi trồng mắc ca, ông đã tuân thủ kỹ thuật rất cẩn thận, chọn nhiều dòng mắc ca khác nhau để đảm bảo thụ phấn chéo hiệu quả. Vì vậy, mắc ca đạt năng suất khá tốt, trung bình mỗi cây 4 kg hạt sọ/năm.
Với chi phí chăm sóc rất ít, 4 kg hạt sọ cho thu nhập xấp xỉ 350 ngàn đồng nếu bán tươi cho thương lái. Đồng thời, khi trồng trong vườn cà phê, mắc ca tạo tán xanh, giúp cây cà phê có môi trường phát triển tốt, hạn chế diệt cỏ, đồng thời tăng độ ẩm, bớt chi phí tưới nước, bỏ phân.
Riêng năm 2021, gia đình thu 4 tấn hạt mắc ca và 16 tấn cà phê nhân xanh, mang lại khoản thu nhập không nhỏ trên mảnh vườn 4 ha.
Tuy nhiên, với mục tiêu lớn hơn, ông Nguyễn Thanh Hiền đã không dừng lại ở bán tươi sản phẩm. Ban đầu, khi mắc ca còn ít trái, ông chủ yếu bán cho thương lái cũng như một vài xưởng chế biến. Nhưng khi vườn mắc ca cho trái nhiều hơn, nông dân xung quanh cũng trồng nhiều mắc ca hơn, ông Hiền nảy ra ý định chế biến hạt mắc ca.
Ông nghĩ, nhà mình nhiều hạt, tự làm cho gia đình cũng đã đủ công suất. Lại còn bà con xung quanh cũng trồng xem mắc ca trong vườn, nhà ít 50 đến 70 kg, nhà nhiều cũng cả tấn. Vậy là ông mày mò đi mua máy dập hạt, máy sấy, học kỹ thuật sấy mắc ca hiệu quả. Rút kinh nghiệm qua các mẻ sấy, dần dần ông nắm vững kỹ thuật sấy mắc ca sao cho giòn, thơm mà vẫn giữ được hương vị tươi mới.
Có sản phẩm, ông và các con nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu. Và cái tên Hiền Hà Macadamia ra đời với tôn chỉ “từ nông trại tới bàn ăn”, cung cấp cho người tiêu dùng những hạt mắc ca tươi, ngon đến từ Lâm Đồng.
Thương hiệu Hiền Hà Macadamia cung cấp hạt tươi sấy giòn chủ yếu đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, lên các sàn thương mại điện tử và khá đặc biệt, chỉ bán mắc ca Lâm Đồng đúng mùa, hết mùa là ngừng cung cấp, hẹn khách hàng tới vụ mắc ca sau.
Ông Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ: “Máy sấy của nhà chuyên phục vụ sấy hạt của gia đình và bà con xung quanh. Vì thế, hạt mắc ca lúc nào cũng đạt độ tươi nhất. Như vụ mắc ca sớm vào tháng 4/2022, nhà tôi thu mua của bà con với giá 85 - 90 ngàn đồng/kg hạt sọ, sấy tới đâu bán hết tới đấy, không có hàng cũ, hàng tồn”.
Theo ông Hiền, mắc ca vùng Đức Trọng có cái hay là có 2 vụ chính trong năm, vụ tháng 4 và vụ tháng 9. Vì vậy, mùa mắc ca hạt tươi cũng kéo dài 8 tháng, khách hàng cũng được thưởng thức hạt mắc ca tươi lâu hơn.
Bà Đinh Tường Vi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, ông Nguyễn Thanh Hiền là nông dân sản xuất giỏi, đồng thời là cán bộ Hội nhiệt tình.
Từ thành công vườn mắc ca của ông, bà con xung quanh cũng mạnh dạn trồng xen trong vườn cà phê, tạo thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng. Đồng thời, gia đình ông Hiền thu mua hạt cho bà con với giá tốt, giúp bà con có thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất. Tuổi cao nhưng vẫn hăng say lao động, ở thôn Tân Phú, ông Nguyễn Thanh Hiền là một gương sáng cho bà con học hỏi.