Lợi nhuận cao
“Năm 2008, mỗi kg yến qua sơ chế có giá từ 38-45 triệu đồng/kg. Sau hơn 10 năm, giá yến cùng loại tại An Giang dao động ở mức 30-32 triệu đồng/kg. Bởi vậy, nghề nuôi chim yến được gọi là “nghề bạc tỷ”, bởi đầu tư mỗi nhà yến đạt tiêu chuẩn không dưới 1 tỷ đồng và sau khi thu hoạch sản phẩm (tổ yến) để bán cho thương lái thì thu nhập nhiều hơn, vì vậy nghề này thu hút rất nhiều người có điều kiện tham gia. Nếu không có quy hoạch thì ngành này sẽ chịu cảnh bi đát như tình trạng con cá tra trước đây…” - ông Trần Văn Son (ngụ ở huyện Châu Phú, An Giang) chia sẻ.
Bình quân mỗi cặp yến đẻ từ 1-2 trứng, sau khi yến nở khoảng 41-51 ngày tuổi thì yến rời tổ.
Ông Son là một trong những hộ nuôi được cho là thành công trong việc xây nhà, dẫn dụ chim yến vào ở từ năm 2010. Ban đầu, diện tích nhà yến của ông khoảng 300m2. Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, ông Son đã cơi nới, cất mới nhà yến với diện tích sàn lên hàng ngàn mét vuông để dẫn dụ chim yến vào ở, sinh sản.
“Hiện tại, tùy vào chất liệu gỗ bên trong nhà yến mà giá yến, được thương lái định giá cao hay thấp. Bình quân, giá yến thô loại 1 được thương lái mua từ 25-27 triệu đồng/kg. Sau đó, họ mang về sơ chế, đóng hộp để bán ra thị trường với mức giá không dưới 30 triệu đồng/kg. 2 tuần tôi thu hoạch được từ 7-8kg, yến nuôi thu hoạch quanh năm, vì vậy hiệu quả kinh tế rất cao” - ông Son chia sẻ thêm.
Lợi nhuận “khủng” chính là mãi lực thu hút nhiều người, nhảy vào xây dựng nhà nuôi chim yến. Trong số những hộ xây nhà yến, không phải chỉ những người có tiền mà nhiều người chỉ có đất ruộng hay đất vườn tạp cũng nhảy vào nghề. Họ vay mượn tiền từ những người thân, ngân hàng, tìm mọi cách để xây nhà dẫn dụ chim yến và ước mong đổi đời từ nghề này…
Thất bại cũng không ít
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối tháng 3-2018, toàn tỉnh đã có 231 nhà nuôi chim yến của 216 hộ tham gia. Bình quân mỗi nhà yến, đầu tư không dưới 500 triệu đồng. Cá biệt, có nhà yến xây dựng đã hơn mức 3 tỷ đồng. Và thực tế cho thấy, không phải ai xây nhà để dẫn dụ chim yến đều thành công.
“Nghề gì cũng vậy, hễ lợi nhuận cao thì rủi ro rất nhiều, vì vậy đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu thật kỹ, tính toán chi li để đi đến quyết định cuối cùng xem mình có đủ năng lực tham gia hay không, chứ đừng có tư duy theo kiểu: “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào” dễ chuốc lấy thất bại. Nghề nuôi chim yến được liệt vào nghề có độ rủi ro rất cao…” - ông Nguyễn Văn Nam (ngụ ở TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.
Huyện Chợ Mới hiện có 13 nhà yến, số lượng nhà đang xây dựng cũng rất nhiều.
Ông Nam xây nhà nuôi yến từ đầu năm 2016. Đến nay, số lượng yến vào ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu trước đây, ông Nam rất thành công trong nghề nuôi cá tra xuất khẩu thì đến lượt chim yến, đổ vào đây hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa khai thác được một kg sản phẩm nào.
“Nghề nuôi yến không dễ như mọi người tưởng, phải hết sức thận trọng. Đây là nghề đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật rất cao. Cụ thể, phải biết được quy luật của chim yến để thiết kế nhà sao cho phù hợp. Yếu tố thứ 2 là độ ẩm bên trong phải dao động từ 79-850, đặc biệt ánh sáng phải không vượt quá 2 lux, gió vào phải thông thoáng và tiếng âm thanh dẫn dụ phải hết sức phù hợp thì yến mới chịu ở” - ông Nam chia sẻ thêm.
Khảo tại các địa phương: TP. Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Phú và Chợ Mới (An Giang) - những địa phương có nhà yến nhiều), tỷ lệ hộ dân xây nhà nuôi chim yến thành công rất ít, trong số 216 hộ nuôi có chưa đến 50% hộ có sản phẩm bán ra thị trường.
Theo báo cáo của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, đến cuối năm 2016 đã có khoảng 5.800 nhà nuôi chim yến ở 41 tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng đàn chim ước tính 6,15 triệu con. Năm 2016, sản lượng tổ yến đạt được gần 40 tấn. Lợi nhuận cao nhưng nghề này cũng không ít rủi ro, vì vậy hộ muốn tham gia nuôi chim yến cần hết sức thận trọng.
Tổ yến được bán ra thị tường
“Để ngành này phát triển bền vững, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn, bắt tay xây dựng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn và liên hệ với Hiệp hội Yến sào Việt Nam tiến hành thành lập chi hội ngành, nghề để mọi người tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra…”- ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ.
Minh Hiền (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.