Dân Việt

Tổng thống Nga Putin công du Iran: Đánh vu hồi

Đại sứ Trần Đức Mậu 28/07/2022 08:00 GMT+7
Chuyến công du nước ngoài lần thứ 2 của tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi bùng phát chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine khiến cho Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh buộc phải quan ngại sâu sắc hơn chuyến công du trước đấy của ông Putin.
Tổng thống Nga Putin công du Iran: Đánh vu hồi - Ảnh 1.

Ở Iran, ông Putin còn gặp gỡ ba bên với tổng thống của Iran và của Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao lần thứ 7 của Mô thức Astana về Syria. Ảnh Reuters

Hồi cuối tháng 6 năm nay, ông Putin tới thăm Tajikizstan và Turkmenistan. Mới rồi, ông Putin tới Iran. Ở Iran, ông Putin không chỉ gặp lãnh đạo Iran mà còn tham dự cuộc gặp cấp cao lần thứ 7 của cái gọi là Khuôn khổ Astana về Syria với tổng thống Iran và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

 Bộ ba này đóng vai trò quyết định đối với hiện tại và tương lai của Syria, qua đó có thể tác động cũng rất quyết định tới an ninh và ổn định ở lhu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO mà NATO và EU cùng các đồng minh đang đối địch Nga không khoan nhượng vì chuyện chiến sự ở Ukraine và bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung ứng máy bay tiêm kích không người lái cho Ucraine, giúp Ukraine có được một vũ khí rất công hiệu trong chiến tranh với Nga ở Ukraine.

 Iran trên danh nghĩa chính thức trung lập trong chuyện chiến sự ở Ukraine và trong cuộc đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. Nhưng Iran cũng bị chính phe kia cấm vận và trừng phạt như Nga, khúc mắc cơ bản với Mỹ và EU trong vấn đề hạt nhân của Iran và có quan hệ hợp tác truyền thống rất tốt đẹp với Nga.

Ông Putin tới Iran chỉ vài ngày sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden, tạo hình ảnh về đối trọng nhau ở khu vực. Mỹ và đồng minh tập hợp lực lượng ở trong và ngoài khu vực đối phó Nga và Iran, gia tăng mức độ quyết liệt trong đối địch Nga và Iran, ông Biden hạ quyết tâm không tạo "khoảng trống quyền lực" để cho Nga, Trung Quốc hay Iran lấp đầy ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thì làm cho Iran và Nga trở nên quan trọng hơn đối với nhau và đẩy hai nước này xích lại càng gần nhau hơn.

Iran hiện ở thời điểm rất quan trọng trên hai phương diện là chuyện đàm phán với Mỹ và đại diện EU về khôi phục hoàn toàn hiệu lực của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran (JCPOA) đã tiến tới chặng quyết định và Iran đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyện bình thường hoá và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt với Ả rập Xê út. Vì thế, Iran rất cần sự hậu thuẫn từ phía Nga và tác động của việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực.

Ông Putin cần hình ảnh chứng minh Mỹ và đồng minh không thành công với ý định cô lập Nga về chính trị, thể hiện vẫn hoàn toàn kiểm soát được diễn biến tình hình chính trị nội bộ ở Nga và chiến sự ở Ucraine. Ông Putin tìm kiếm sự hợp tác với hiệu ứng trợ giúp đắc lực của Iran để ứng phó những biện pháp chính sách trừng phạt và cấm vận của Mỹ và đồng minh. Thoả thuận hợp tác giữa hai bên trị giá 40 tỷ USD về năng lượng hay những đồn thổi về Nga mua máy bay tiêm kích không người lái của Iran đều nhằm mục đích này.

Ở Iran, ông Putin còn gặp gỡ ba bên với tổng thống của Iran và của Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao lần thứ 7 của Mô thức Astana về Syria. Chỉ riêng hình ảnh về cuộc gặp gỡ này thôi cũng đã có lợi cho ông Putin bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO mà NATO đang đối đich Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay tiêm kích không người lái cho Ukraine giao tranh quân sự với Nga.

 Phân rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO chỉ là một mục đích của ông Putin với cuộc gặp ở Iran. Mục đích còn quan trọng hơn là Nga cùng với Iran không để cho Thổ Nhĩ Kỳ tự tung tự tác về quân sự ở Syria trong bối cảnh tình hình Nga bận rộn về quân sự ở Ukraine.

Thông điệp của ông Putin là Nga không vì Ukraine mà buông bỏ những gì đã đạt được từ năm 2015 đến nay ở Syria và khu vực Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh và Nga vẫn buộc Mỹ, NATO và đồng minh phải dè chừng Nga ở khu vực này bất chấp chiến sự ở Ukraine. Người ta cũng còn có thể thấy ông Putin trù liệu ổn định tình hình ở Syria để tập trung nhiều hơn cho chuyện chiến sự ở Ukraine.

Nhìn như thế sẽ thấy Nga đang nỗ lực tập hợp lực lượng ở bên ngoài châu Âu và bài binh bố trận về đối ngoại ở các nơi khác trên thế giới để đối phó Mỹ và đồng minh ở châu Âu. Thoả thuận ở Istanbul với Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine và chuyến công du châu Phi của bộ trưởng ngoại giao Nga sau khi ông Putin tới Iran đều là những bước triển khai tiếp theo của định hướng ấy.