Sáng 28/7, Báo Giao thông tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng".
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Vụ vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT), lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, Hà Nội, Tiền Giang, đại điện Metro Hà Nội, TP.HCM và các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).
Ông Tính cho biết, ông đã làm vận tải khá lâu, tiếp xúc với VTHKCC trong 30 năm. Có thể chia ra làm 2 chu kỳ. Trong chu kỳ 10 năm (2002 - 2012), VTHKCC TP.HCM đã phát triển mạnh mẽ.
Tới năm 2012, đã có tới 1,2 triệu hành khách đi xe buýt. Đơn vị của ông Tính đã tham mưu cho UBND TP.HCM tiếp tục phát triển vận tải xe buýt, trợ giá dài hạn 5-10-20 năm, tiến tới bước mạnh mẽ là hạn chế phương tiện cá nhân cả ô tô và 2 bánh. Nhưng rất tiếc, TP.HCM không tiếp thu nên VTHKCC thành phố đã chuyển sang giai đoạn 2 (2012-2022), đó là đi xuống.
"Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, đề nghị tổ chức hội thảo hoặc nghiên cứu để lấy ý kiến chuyên gia, người dân, lý giải tại sao chất lượng xe buýt lại đi xuống, từ đó đề ra giải pháp. Hôm nay, qua 4 tham luận, có thể thấy hiện nay VTHKCC là một mảng tối, song cũng le lói những điểm sáng", ông Tín nói.
Ông Tính rất mong chính quyền TP.HCM, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tiếp thu ý kiến để các chính sách VTHKCC có hiệu quả. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần phải trình lên thành phố một kế sách để nâng cấp VTHKCC trên mọi khía cạnh, từ hạ tầng đến giá vé… Chính quyền thành phố nên nghiên cứu chính sách trợ giá dài 5-10-20 năm cho VTHKCC, không nên làm theo kiểu "ăn đong từng bữa" như hiện nay.
Cơ sở hạ tầng phải luôn luôn đầu tư và mở rộng. Mặt khác, cũng cần phải phát triển chính sách đường ưu tiên và giành riêng; tăng cường phát triển xe bus CNG (xe sử dụng khí nén thiên nhiên) và xe buýt điện, xe đạp công cộng…
Ông Lê Hoàn (Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM) đề cập đến vấn đề "Thực trạng xe buýt tại TP.HCM, đề xuất giải pháp để nâng cao sản lượng".
Theo ông Hoàn, xe buýt CNG (khí nén thiên nhiên) là điểm đặc biệt của TP.HCM. Cách đây 5 năm, TP.HCM đã có tới 500 xe buýt CNG nhưng hiện nay hệ thống xe buýt này đã bị tụt lùi vì thiếu hệ thống nạp khí, do đó cần nỗ lực từ chính quyền. Thực trạng này cũng tương tự với xe buýt điện. Sở GTVT TP.HCM chưa ban hành được định mức về xe buýt CNG và xe buýt điện, do đó hai loại xe này chưa được hưởng nhiều lợi ích.
Hiện nay, mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận, huyện và thành phố trực thuộc (đạt 100%)và 178/322 số xã, phường, thị trấn (đạt 55,3%). Mạng lưới xe buýt cũng đã tiếp cận tới 62 bệnh viện và 236 trường học (từ cấp tiểu học đến đại học).
Đề xuất giải pháp nâng cao sản lượng hành khách đi xe buýt, ông Hoàn cho rằng, trước mắt cần phối hợp với các đơn vị truyền thông, thông tấn báo chí, các cơ quan liên quan nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân quay lại sử dụng xe buýt sau thời gian giãn cách do dịch Covid-19.
Khôi phục hoàn toàn hoạt động của mạng lưới tuyến xe buýt thành phố để phục vụ người dân. Hiện nay đã khôi phục 91/91 tuyến xe buýt có trợ giá và 23/36 tuyến xe buýt không trợ giá, với số chuyến khôi phục đạt tỷ lệ 88% so với số chuyến hoạt động trước dịch. Và vẫn còn 13 tuyến xe buýt không trợ giá chưa khôi phục hoạt động, Trung tâm đã làm việc với các doanh nghiệp vận tải và các tỉnh liền kề để thống nhất phương án khôi phục sắp tới.
Rà soát tăng chuyến, tần suất hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được tốt hơn. Số chuyến hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá hiện nay chỉ đạt 88% so với thời điểm trước dịch Covid-19 (12.453/14.162/ chuyến/ngày). Trung tâm đang xây dựng kế hoạch tăng chuyến hoạt động các tuyến xe buýt có trợ giá, dự kiến tăng khoảng 200.000 – 270.000 chuyến từ thời điểm hiện tại đến hết năm 2022.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới, kiểm soát chặt chẽ sản lượng thông qua việc tăng cường kiểm tra trên tuyến và triển khai kiểm tra sản lượng hành khách thông qua hệ thống camera, tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ…
Cũng theo ông Hoàn, về lâu dài, cần triển khai đồng bộ 27 giải pháp theo đề án tăng cường VTHKCC, trong đó có việc tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn TP.HCM.
Về phương tiện, hiện tại còn 255/1.840 phương tiện (chiếm 19,3%) có niên hạn sử dụng trên 10 năm. Do đó, cần phải sớm đầu tư đổi mới nhóm phương tiện này (thông qua tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị đảm nhận khai thác tuyến).
Cần đảm bảo tần suất hoạt động, vận hành theo đúng số chuyến vận hành, đúng giờ. Để quản lý việc này, thành phố thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giám sát bằng phần mềm trên tất cả các tuyến xe buýt. Theo thống kê từ phần mềm quản lý, trong 6 tháng đầu năm 2022, số chuyến thực hiện đạt 99,6% so với số chuyến kế hoạch đặt ra (1.941.495 chuyến/1.948.529 chuyến), số chuyến hoạt động đúng theo biểu đồ giờ đạt 96,68%.
Về hạ tầng, thành phố sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các nhà chờ, bến bãi phục vụ cho giao thông công cộng bằng xe buýt. Tăng cường khả năng tiếp cận hạ tầng, đảm bảo trật tự vỉa hè và lòng lề đường cho người dân dễ dàng hơn để đón xe buýt. Công tác rà soát này sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên trong năm 2022 để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân đi xe buýt.
Ông Lê Hoàn (Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM)