Nghị quyết 18 đưa ra quy định đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang,… nhằm tạo khung pháp lý để giải quyết những dự án chậm tiến độ, bỏ hoang đất gây lãng phí tài nguyên đất.
Nghị quyết 18 đưa ra quy định đánh thuế cao giải quyết tình trạng chậm tiến độ, bỏ hoang đất (Video: Thái Nguyễn)
Đơn cử, dự án công viên ở quận Tây Hồ hiện đang bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua. Dự án này có diện tích gần 30.000m2 tọa lạc ở địa chỉ 151-153 Yên Phụ (quận Tây Hồ, Tp Hà Nội).
Dự án đã được UBND Tp Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư năm 2018, dự kiến hoàn thành dự án năm 2020. Thành phố có quyết định thu hồi hơn 2.600 m2 thuộc Tổng công ty Du lịch để giao Sở Tài nguyên và Môi trường đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành thủ tục đất đai, chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai dự án.
Tuy nhiên, hiện nay dự án này đang được quây tôn, bỏ hoang, bên trong cỏ mọc um tùm. Chủ đầu tư cũng không có động thái nào thi công trong thời gian qua.
Tiếp đó, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai). Dự án có quy mô 35ha, do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi, thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư. Theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được chia thành 2 giai đoạn từ năm 2004 - 2011. Đến nay, đã 18 năm, dự án này vẫn chỉ là bãi cỏ hoang hóa đầy rác và không ít diện tích sử dụng sai mục đích. Hàng chục hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án rơi vào cảnh bấp bênh khi không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa.
Cơ quan chức năng xác định, dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm, nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. TP Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư dự án vẫn tiếp tục "ôm đất" không triển khai.
Dự án trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được phê duyệt trên lô đất rộng 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy. Được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỉ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay dự án này mới chỉ xây xong phần thô và bỏ hoang. Mặt tiền của dự án này có địa chỉ tại 90 Phạm Hùng, cạnh đường vành đai 3. Nhiều hạng mục xây dựng bị thời gian bào mòn, bê tông rêu mốc, khung sắt hư hỏng.
Ngay đối diện dự án VICEM, dự án Apex Tower cao 27 tầng và 3 tầng hầm, tọa lạc tại vị trí đắc địa trong khu đô thị Mễ Trì Hạ (phường Mỹ Đình), cạnh đường Vành đai 3, bị bỏ hoang nhiều năm nay. Dự án do Công ty Cổ phần tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng sau chục năm, dự án vẫn dang dở, không hẹn ngày hoàn thiện khi đã xây xong phần thô và lâu ngày đã xuống cấp. Những sai phạm trong quá trình triển khai dự án cùng những khó khăn về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến Apex Tower không thể tiếp tục triển khai đúng tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho nhà đầu tư đã rót tiền vào dự án, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị xung quanh.
Đặc biệt, dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng (xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng), với tổng mức kinh phí dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng là 3.700 tỷ đồng, do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng tự huy động. Ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào giữa năm 2020.
Đây là dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015, một trong các nhà máy nằm trong điều chỉnh Quy hoạch cấp nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, bên cạnh Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước Thăng Long, Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Lương Yên, Nam Dư, Gia Lâm, Tiến Thịnh. Tuy nhiên, đến nay, công trường thi công nhà máy vẫn ngổn ngang bê tông và cốt thép, chưa có hạng mục nào được hoàn thiện.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó có 30 dự án được kiến nghị thu hồi (đến nay đã thu hồi 10 dự án); 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng.
Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất ở Hà Nội là Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án... Các dự án này theo Nghị quyết 18 đều có khả năng bị đánh thuế cao nếu không sớm khắc phục.
Mới đây, Nghị quyết 18 đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương (nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch).
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp thuế cao tài sản theo Nghị quyết 18 sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, và đây cũng sẽ là nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường. Quy định của Nghị quyết 18 này sẽ khuyến khích người sở hữu nhà đất đưa tài sản về đúng giá trị thực, không để tình trạng bỏ hoang đất đai gây lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng sắc thuế sẽ điều tiết, dừng việc găm giữ, đầu cơ, thổi giá đất, ngăn tình trạng đất bỏ hoang. Nếu đánh thuế cao thì hiện tượng lướt sóng, đầu cơ đất sẽ không con và sẽ không ai dám đầu tư vì mua xong bán luôn sẽ bị tính thuế nặng hơn. Đánh thuế sẽ triệt tiêu, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực của xã hội và sẽ trở thành công cụ điều tiết các hành vi sử dụng tài sản.
"Cầu của thị trường phải là cầu thật, không phải cầu ảo; nhưng nhiều nhóm chỉ mang tiền vào bất động sản để tìm cách sinh lợi, có lãi chứ không có nhu cầu sử dụng, các nhu cầu đó là nhu cầu "bong bóng"; mà thị trường muốn ổn định, bền vững phải là nhu cầu thật. Gạt bỏ những người đầu cơ đất sẽ càng tốt cho thị trường", ông Đính chia sẻ.
Ngoài ra các chuyên gia cũng cho rằng, Nghị quyết 18 đưa ra việc đánh thuế cao với người nhiều bất động sản sẽ giúp ngăn chặn các dự án "treo", chậm tiến độ, bỏ hoang đất dễ dàng hơn. Tạo ra quỹ đất sử dụng vào những mục đích có lợi cho xã hội như việc xây dựng các nhà ở xã hội, vốn đang rất thiếu trong thời gian qua.