Nhắc tới các vị hoàng đế, họ phải là những người tài ba lỗi lạc và đều rất may mắn mới có thể ngồi lên ngai vàng, sở hữu quyền lực tuyệt đối và hưởng thụ vinh hoa phú quý cả đời.
Tuy nhiên, trong mười hai vị hoàng đế nhà Thanh, lại có một người tuy không phải hôn quân nhưng lại chẳng thể yên ổn ngồi trên ngai vàng khi bị hành thích tới 4 lần trong đời. Đó chính là Hoàng đế Gia Khánh.
Năm Càn Long thứ 60 (năm 1796), Hoàng đế Càn Long do không muốn thời gian trị vì của mình lớn hơn Hoàng tổ phụ Khang Hi, nên đã quyết định nhường ngôi cho Gia Khánh.
Dưới thời gian cai trị từ năm 1796 - 1820, Hoàng Đế Gia Khánh đã nỗ lực để đưa Trung Quốc trở lại sự thịnh vượng và quyền lực từng có ở thế kỷ 18. Ông bắt đầu tiêu trừ vấn nạn tham nhũng, xử tử Hòa Thân, thi hành tiết kiệm, cải tổ bè đảng, song vấn đề chống tham ô không hề khởi sắc mà thậm chí còn khó khăn thêm.
Thậm chí, bạo loạn xã hội còn ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến bản thân Hoàng đế Gia Khánh nhiều lần đối mặt nguy hiểm vì bị thích khách tìm tới ám sát.
Lần đầu tiên là vào năm Gia Khánh thứ 8, khi Hoàng đế Gia Khánh đi qua Thần Vũ môn, ông đã bị một đầu bếp tên Trần Đức cầm đao hành thích. Rất may đại nội thị vệ đã kịp thời hộ giá, song người thị vệ thân trúng nhiều đao bị thương nặng, có thể thấy kẻ hành thích ra tay đầy căm phẫn và tàn bạo. Trần Đức sau đó bị bắt và chịu hình lăng trì.
Không lâu sau án Trần Đức, lại xuất hiện một hòa thượng xông vào Tử Cấm Thành với mục đích hành thích Gia Khánh, nhưng chưa kịp nhìn mặt hoàng đế đã bị thị vệ khống chế.
Vài năm sau đó, một người đàn ông võ nghệ cao cường, cầm binh khí hùng hổ xông vào hoàng cung, đả thương nhiều thị vệ, nhưng cuối cùng cũng không thể hoàn thành mục đích.
Sau ba lần bị thích khách "thăm hỏi", Hoàng đế Gia Khánh bắt đầu chú ý hơn đến sự an nguy của bản thân, ông rất ít khi xuất hiện tại Tử Cấm Thành vào những lúc bình thường.
Thế nhưng, nguy hiểm vẫn bám đuổi vị hoàng đế này khi vào năm Gia Khánh thứ 18, nhà Thanh nổ ra cuộc loạn Thiên Lý giáo. Hơn 100 tín đồ của giáo phái này với nội ứng bên trong đã xông vào Tử Cấm Thành, đánh tới tận hậu cung. Lần này, nhờ có Hoàng đế Đạo Quang (lúc này vẫn là Trí Thân Vương) trí dũng nên mới khống chế được những phần tử nổi loạn.
Những người trực tiếp tham gia sau đó bị Gia Khánh xử tử, hàng trăm người khác bị lưu đày. Cũng nhờ những biểu hiện xuất sắc mà Đạo Quang được Hoàng đế Gia Khánh yêu quý, tin tưởng và lựa chọn làm người thừa kế ngai vàng.
Cũng sau loạn Thiên Lý giáo, Hoàng đế Gia Khánh tự cảm thấy thất vọng với cách cai trị của mình và đưa ra một loạt sửa đổi, cải cách. Trên thực tế, Hoàng đế Gia Khanh không phải là một hôn quân, chỉ là ông lên ngôi trong bối cảnh quốc khố trống rỗng sau sự xa xỉ của tiên hoàng. Cũng chính lẽ đó mà kéo theo nhiều hệ lụy và biến động trong xã hội, dẫn đến việc Gia Khánh trở thành hoàng đế bị hành thích nhiều nhất trong lịch sử nhà Thanh.
Năm Gia Khánh thứ 24 (năm 1820), Hoàng đế Gia Khánh qua đời tại Hành cung Nhiệt Hà. Có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh cái chết bí ẩn của ông.
Có người cho rằng, Hoàng đế Gia Khánh khi đó thân đang mang bệnh trong người, trở về từ trường săn ở Hành cung Nhiệt Hà. Bất ngờ mây đen kéo đến, sấm chớp rền trời, Hoàng đế Gia Khánh bị sét đánh trúng trên đường mà tử vong.
Cho đến nay, nguyên nhân tử vong của Hoàng đế Gia Khánh vẫn là bí ẩn khó giải. Không ai có thể khẳng định chính xác vị hoàng đế này qua đời như nào. Nếu thực sự Hoàng đế Gia Khánh chết do bị sét đánh thì ông quả là bậc cửu ngũ chí tôn đen đủi nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.