Nữ tì nào được hoàng đế Gia Khánh hết mực yêu thương?

Thứ bảy, ngày 09/04/2022 08:30 AM (GMT+7)
Cuộc đời hoàng đế Gia Khánh không chỉ có mẫu thân mà ngay cả người mà ông rất yêu thương này cũng có xuất thân rất đặc biệt.
Bình luận 0

Xuất thân tầng lớp nô bộc trong hoàng cung

Tầng lớp nô bộc thuộc phủ Nội vụ làm những công việc gì và địa vị của họ trong hoàng cung là thế nào? Công việc chính của các nô bộc trong phủ Nội Vụ đó là phục dịch cho hoàng thượng và các vị chủ tử trong cung. Địa vị của họ không quá thấp kém như chúng ta vẫn nghĩ.

Trên thực tế, nô bộc của Phủ Nội vụ thường xuyên hầu hạ chủ tử nên nếu có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh nhanh nhẹn, được việc, họ còn được hoàng đế hoặc chủ tử coi trọng. Nếu may mắn, họ có thể đảm nhiệm tới chức vụ khá cao.

Nữ tì nào được hoàng đế Gia Khánh hết mực yêu thương? - Ảnh 1.

Xuất thân là nô tì, nhưng nhờ được Gia Khánh Đế sủng hạnh, Lưu thị 1 bước trở thành phi tần. (Ảnh: Baidu)

Thời vua Càn Long có Lý thị và Tào thị vốn xuất thân nô bộc được hoàng thượng giao phó cho trọng trách giám sát việc thêu thùa, may vá tại Giang Nam. Một số nhân vật lớn trong triều đình như đại học sĩ Lai Bảo cũng đều đi lên từ tầng lớp nô bộc trong phủ nội vụ.

Nhiều vị phi tử xuất phát điểm làm nô tì cũng nhờ được hoàng thượng để mắt đến khi đang hầu hạ, từ đó được nạp vào cung và một bước tiến lên thân phận cao quý. Thời vua Khang Hi có Đức phi và Lương phi, thời vua Ung Chính có Dụ phi, thời vua Càn Long có Lệnh phi và Đức phi. Nhưng người may mắn nhất có lẽ là Lệnh phi, bởi con trai bà còn trở thành thiên tử, chính là Gia Khánh Đế.

Vận mệnh nô tì thay đổi

Hòa Dụ Hoàng Quý phi tên thật là Lưu thị sau đổi tên thành Lưu Giai thị. Bà sinh năm Càn Long thứ 26 (1761), xuất thân là bao y, nhỏ hơn Gia Khánh 3 tháng tuổi. Phụ thân Lưu thị là Lưu Phúc Minh - một Bái đường không phẩm cấp làm việc ở nha môn, địa vị thấp kém. Lưu thị vào phủ Nội Vụ làm nô tì phục dịch trong cung.

Năm Càn Long thứ 42, Lưu thị trúng tuyển kỳ tuyển chọn cung nữ trong cung. Tuy nhiên bà không được vào hậu cung cũng không đảm nhiệm vai trò cung nữ phục vụ. Bà được Càn Long ban cho Thập Ngũ A Ca Vĩnh Diễm (Gia Khánh) với thân phận hầu gái.

Nữ tì nào được hoàng đế Gia Khánh hết mực yêu thương? - Ảnh 2.

Sau khi Gia Khánh lên ngôi, Lưu thị lập tức được phong thành Hàm phi. (Ảnh: Baidu)

Lưu Giai thị dung mạo hơn người, có tài ăn nói, hơn nữa tuổi tác cũng tương đương với Thập Ngũ A Ca. Hai người tiếp xúc gần trong thời gian dài nên đã nảy sinh tình cảm. Thập Ngũ A Ca Vĩnh Diễm rất nhanh chóng sủng hạnh người hầu gái của mình.

Lưu thị nhân cơ hội này gấp rút sinh cho Vĩnh Diễm một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên bé trai đó không may đã chết yểu một năm sau (1780). Không lâu sau, Lưu Giai thị tiếp tục hạ sinh một bé gái (người con thứ 3 của Thập Ngũ A Ca). Từ đây có thể thấy bà chiếm vị trí rất lớn trong lòng Vĩnh Diễm.

Bước lên ngôi Hoàng quý phi

Sau khi Càn Long băng hà, Vĩnh Diễm lên kế vị lấy hiệu là Gia Khánh. Sau khi lên ngôi vua thì Gia Khánh tiến hành ban sắc phong đối với dàn thê thiếp của mình. Lưu Giai thị là mẫu thân sinh ra trưởng tử được phong làm Hàm phi, xếp thứ 3 trong hậu cung, sau Hỉ Tháp Lạp thị (Hiếu Thục Duệ Hoàng hậu) và Nữu Hỗ Lộc thị.

Nữ tì nào được hoàng đế Gia Khánh hết mực yêu thương? - Ảnh 3.

Sau này, Lưu Giai thị được tấn phong tới tước vị Hoàng Quý phi. (Ảnh: Baidu)

Tước vị của Lưu thị không dừng lại ở đó, Gia Khánh Đế luôn ưu ái và có tình cảm đặc biệt với vị phi tần này. Ông thường xuyên đến tẩm cung của Hàm phi và vô cùng sủng hạnh bà. Gia Khánh năm thứ 13, Hàm phi được phong thành Hàm Quý phi trở thành vị Quý phi duy nhất được sắc phong có tước vị chỉ sau Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu.

Năm Gia Khánh thứ 25 (1820), hoàng đế băng hà. Đạo Quang Đế lên ngôi và phong bà làm Hoàng khảo Hàm Hi Hoàng quý phi, bên cạnh đó còn truy tặng cho người con trai đầu chết yểu của bà làm Mục Quận Vương. Đạo Quang năm thứ 14 (1833), Hàm Hi Hoàng quý phi chết bệnh ở tuổi 74, sau đó vua truy tôn bà thành Hòa Dụ Hoàng quý phi.

Lưu Giai thị quả thực là một nữ tì may mắn, tuy xuất thân tầng lớp nô bộc trong hoàng cung nhưng nhờ sự sủng hạnh của hoàng đế mà trở thành Hoàng Quý phi tôn kính. Dù không cần dùng thủ đoạn nhưng Lưu Giai thị vẫn chiếm trọn trái tim của vua Gia Khánh, nếu như trưởng tử năm đó bà sinh ra không chết yểu, có lẽ bà đã có thể trở thành Hoàng thái hậu.


Thanh Tâm Vũ (Theo Doanh Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem