Dân Việt

San hô ở Hòn Mun chết hàng loạt gây tổn thất về kinh tế và rất khó hồi phục

Minh Ngọc 29/07/2022 09:16 GMT+7
Thời gian qua, nhiều rạn san hô đã không được bảo vệ, đặc biệt là san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) bị chết hàng loạt, mức độ suy thoái lên tới 60-90% gây tổn thất lớn, lâu dài về kinh tế và rất khó hồi phục.

Thông tin trên được các đại biểu, tổ chức quốc tế đồng tình và chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tổ chức ngày 28/9.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ, đại diện Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng cho hay, vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1.000.000 km2 diện tích ở biển Đông. Hệ sinh thái biển với chừng 11.000 loài sinh vật cư trú; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển..., ước tính, mỗi năm, khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam lên tới khoảng 60-80 triệu USD...

San hô ở Hòn Mun bị chết hàng loạt gây tổn thất về kinh tế và rất khó hồi phục - Ảnh 1.

Ngày 28/7, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Minh Ngọc

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều rạn san hô đã không được bảo vệ, đặc biệt là san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) bị chết hàng loạt, mức độ suy thoái lên tới 60-90% gây tổn thất lớn, lâu dài về kinh tế và rất khó hồi phục.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng,  Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, thời gian qua, nhận thức và hành động trong bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có chuyển biến tích cực.

Tổng cục Thủy sản đã xây dựng nội dung quy định về các bước điều chỉnh diện tích, phân khu chức năng của khu bảo tồn biển; bổ sung một số quy định về kích thức mắt lưới ở bộ phận tập trung cá của ngư cụ khai thác thuỷ sản; bổ sung danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thuỷ sản.

San hô ở Hòn Mun bị chết hàng loạt gây tổn thất về kinh tế và rất khó hồi phục - Ảnh 2.

Rạn san hô dưới dáy biển Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa) chết hàng loạt. Ảnh: Công Tâm

Xây dựng nội dung chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển; nội dung chính sách chuyển đổi nghề cho các hộ dân sống trong phạm vi khu bảo tồn biển và hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Liên quan đến công tác quản lý bảo tồn biển, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và hoàn thiện báo cáo thuyết minh “Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam”.

Về công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thả được tổng số hơn 36 triệu con và 60 tấn giống thủy sản các loại. Theo kế hoạch, trong năm 2022, cả nước dự kiến tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150 tấn giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong đó, có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá bỗng, cá mú chấm đen, cua xanh…

San hô ở Hòn Mun bị chết hàng loạt gây tổn thất về kinh tế và rất khó hồi phục - Ảnh 3.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng (bên phải) phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc

Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa được triển khai thường xuyên; Hệ thống tổ chức bảo tồn biển chưa đồng bộ (hiện nay tồn tại 3 mô hình); Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế so với nhu cầu thực tế;…

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030 tại trung ương và địa phương.

Tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã được phê duyệt trong Đề án truyền thông về bảo tồn biển tại trung ương và địa phương.

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, 6 tháng vừa qua, cơ quan quản lý, các địa phương cùng các tổ chức phi chính phủ đã thực hiện rất nhiều công việc của ngành thủy sản, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

San hô ở Hòn Mun bị chết hàng loạt gây tổn thất về kinh tế và rất khó hồi phục - Ảnh 4.

Thả cá giống xuống sông - một trong những hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phó Tổng cục trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết với nghề của những người làm công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân có thể liên quan đến ý thức của ngư dân cũng như công tác quản lý nhà nước tại các địa phương.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, trong thời gian tới, trực tiếp những người làm công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cần năng động hơn nữa, có cách làm sáng tạo, huy động các nguồn lực, lan tỏa những mô hình tốt.

Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, những vướng mắc mà các địa phương có ý kiến, đặc biệt là mô hình đồng quản lý có hình thức như thế nào để đạt hiệu quả. 

Bên cạnh đó, thực hiện công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm; tham vấn các địa phương, tổ chức quốc tế để lan tỏa mạnh mẽ, tránh lãng phí.