Các sở ngành cũng quá tải
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho hay khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM cũng phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn. Điển hình khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận. Ngoài công việc trước đây, một công chức phải phụ trách 80-160 đơn vị cấp quận.
Về tình trạng người dân TP.Thủ Đức phản ánh tiến độ thủ tục hành chính địa chính, nhà đất kéo dài hơn so với trước khi sáp nhập 3 quận, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM Lê Thành Phương cho biết, Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM đã xét tuyển 47 viên chức cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Thủ Đức vào tháng 5/2022. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn TP.Thủ Đức hợp nhất từ 3 cơ sở dữ liệu cũ, tạo nền tảng để triển khai các giải pháp còn lại.
Theo ông Trương Công Dũng (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), trong một tuần làm việc, cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch phải giải quyết các đầu việc: Phối hợp thi hành án (cưỡng chế, xác minh điều kiện thi hành án, vận động tự nguyện thi hành án...); phối hợp tòa án, phòng công chứng, thừa phát lại (định giá, niêm yết, tống đạt, thẩm định, kê biên...); quản lý đối tượng thi hành án ngoài xã hội (cải tạo không giam giữ, án treo); chứng thực, sao y; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi; xác nhận tình trạng hôn nhân; cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; chứng thực chữ ký, hợp đồng giao dịch...; các thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh - cấp BHYT - đăng ký hộ khẩu...); xác nhận ủy quyền lĩnh lương hưu, BHXH; xác minh, xác nhận giảm trừ gia cảnh để miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...; thực hiện nhiệm vụ khác do lãnh đạo phường phân công.
Theo TS Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ TP.HCM), tại TP.HCM đang tồn tại nghịch lý là số lượng cán bộ công chức ở phường, xã đông dân cũng bằng với nơi ít dân.
Do tăng dân số cơ học không đồng đều tại những nơi có các lợi thế so sánh khác nhau (khu công nghiệp, đô thị hóa cao, trục giao thông thuận tiện được cải tạo và đầu tư mới…) tạo nên áp lực trong thực thi công vụ không đồng đều tại các xã, phường. Thực trạng này có thể nhìn thấy tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh là xã đông dân nhất TP.HCM, với hơn 167.000 người; đồng thời xã này bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số quận Phú Nhuận.
Trong khi đó, số biên chế xã này được giao là 36 (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách). Bắc Kạn được giao 1.489 biên chế công chức, gấp hơn 41 lần; quận Phú Nhuận được có tối đa 436 cán bộ cho 13 phường - gấp 12 lần.
Không chỉ phải làm nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ công chức xã phường phải kiêm nhiệm quá nhiều đầu việc. Cán bộ chính sách phụ trách thêm công tác lao động, xã hội, giảm nghèo; cán bộ văn thư lưu trữ kiêm nhiệm thêm việc xử lý văn bản đến, văn bản đi, xử lý phần mềm, đóng dấu kiêm thủ quỹ; cán bộ quản lý kinh tế kiêm phụ trách môi trường, điện, nước; cán bộ làm công tác văn phòng Đảng ủy thì lo luôn công việc của khối dân vận và tuyên giáo…
Công việc quá tải là vậy nhưng thu nhập của cán bộ công chức rất khiêm tốn. Một công chức lâu năm của xã, phường cũng chỉ nhận được khoảng 9 triệu đồng/tháng (kể cả thu nhập tăng thêm hằng quý). Còn cán bộ không chuyên trách thì lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy nhiều cán bộ công chức cấp xã, phường tại TP.HCM thời gian qua nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn.
Cần có cơ chế riêng
Dẫn chứng dân số quận Bình Tân hiện vào khoảng 800.000 người nhưng cũng chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp phường để quản lý với số lượng cán bộ, công chức hạn chế, dẫn đến quá tải công việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, vừa qua, quận đã nghiên cứu việc chia tách đơn vị hành chính cấp phường và chia tách đơn vị cấp khu phố nhằm giảm áp lực cho quản lý nhà nước ở cơ sở. Dù vậy, địa phương chưa đủ tiêu chí để đề xuất giải pháp này, trong khi các nghị quyết của Quốc hội về chia tách phường hiện nay cũng quy định phải bảo đảm cả hai chỉ tiêu về dân số và diện tích nên rất khó để xin cơ chế.
Hầu hết lãnh đạo các phường, xã đông dân trên địa bàn TP.HCM đều kiến nghị cần có cơ chế riêng. Cụ thể, với đơn vị hành chính loại 1, số lượng cán bộ công chức cấp xã, phường là 23 người/phường theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ; với phường, xã có trên 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bổ sung 1 cán bộ công chức.
Khi bố trí cán bộ công chức cho các phường, xã, cần đặt quy mô dân số là yếu tố hàng đầu, sau đó là diện tích, điều kiện kinh tế xã hội… Ngoài ra, nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, kiến nghị thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND về chi thu nhập tăng thêm.
Đồng quan điểm, ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, đề xuất trung ương tạo cơ chế để TP.HCM chủ động trong việc phân bổ cán bộ công chức theo quy mô dân số; phường, xã đông dân thì nhiều cán bộ công chức và ngược lại; bố trí theo vị trí việc làm...
Bài cuối: TP.HCM không đòi nhiều, chỉ mong đủ và phù hợp