Thời gian này, mỗi ngày gia đình chị Phiến phải thuê thêm 8-10 nhân công để thu hái những quả sim chín trĩu cành. Đây là năm thứ 2 gia đình chị thu trái ngọt sau từ khi đưa các gốc sim về trồng thử nghiệm. Mỗi ngày gia đình chị còn đón hàng chục lượt khách đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch quả sim chín tại vườn.
Chị Nguyễn Thị Phiến chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu trên internet, tôi biết đến mô hình trồng sim thu hoạch quả ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nên đã “khăn gói” vào tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tham khảo thực tế, tôi quyết định mua hơn 3.000 cây giống về trồng thử nghiệm trên khoảng 1 ha đất đồi của gia đình. Tất cả chi phí của chuyến đi cùng với mua cây giống hết khoảng 50 triệu đồng.
Theo chị Phiến, sim vốn là loài cây dại đã từng có ở địa phương nên khi được trồng trên đất đồi rất phù hợp, phát triển nhanh. Đặc biệt, loài cây này rất ưa sáng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể sinh trưởng, phát triển ngay cả trên đất cằn cỗi.
"Sau khi trồng, gia đình tôi chủ yếu tập trung làm cỏ, bón phân, nên cây sinh trưởng nhanh và cho thu quả. Sim ra hoa vào khoảng tháng 4 - 5 và chín vào khoảng tháng 7, thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng" - chị Phiến cho biết.
Năm 2021, gia đình chị Phiến đã thu hoạch được vụ quả đầu tiên với sản lượng khoảng 1 tấn, bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng. Vụ quả sim năm 2022, đồi sim cho nhiều quả hơn năm trước, ước tính sản lượng đạt khoảng 3 tấn, dự kiến gia đình chị Phiến có thu nhập khoảng 120 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Không chỉ cung cấp cho thị trường trong huyện, hầu như ngày nào gia đình chị Phiến cũng đóng thùng gửi xe ô tô cho khách hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên...
Ngoài thu hoạch quả sim bán ra thị trường, vào mùa hoa sim, mỗi ngày, gia đình chị Phiến còn đón khoảng 100 lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan, chụp ảnh với giá 20 nghìn đồng/lượt khách. Việc thu tiền khách tham quan, chụp ảnh đồi hoa sim cũng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình chị Phiến.
Từ hiệu quả của mô hình trồng sim lấy quả bán ra thị trường và hoa cho khách du lịch tham quan, chụp ảnh, UBND xã Phúc Khánh đã vận động, khuyến khích người dân học hỏi nhân rộng mô hình, chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng sim để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tìm kiếm đơn vị hợp tác đầu tư, liên kết, mở rộng diện tích trồng sim, phát triển thị trường, chế biến sản phẩm từ quả sim để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.