Dân Việt

Nhiều triển lãm quốc tế trở lại TP.HCM sau Covid-19: Cơ hội tìm đối tác cho doanh nghiệp Việt

Hồng Phúc 02/08/2022 15:12 GMT+7
Sau hai năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong tháng 8 này, nhiều triển lãm quốc tế thuộc các lĩnh vực, ngành hàng được tổ chức trực tiếp sẽ quay trở lại TP.HCM.

Triển lãm quốc tế ngành thực phẩm, đồ uống

Từ ngày 11 - 13/8, Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam lần thứ 26 và Triển lãm Quốc tế Thiết bị công nghệ chế biến bao bì, thực phẩm và đồ uống Việt Nam lần thứ 26 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7).

Đây là triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam được tổ chức từ năm 1996. Triển lãm năm nay có sự tham dự của 350 doanh nghiệp, với quy mô 400 gian hàng trưng bày của 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Ba Lan, Hy Lạp, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Nhật Bản, Indonesia…

Nhiều triển lãm quốc tế lần đầu trở lại TP.HCM sau Covid-19: Cơ hội tìm đối tác cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Triển lãm ngành thực phẩm, đồ uống sẽ quay lại TP.HCM sau hai năm dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Vietfood & Beverage

Đáng chú ý, triển lãm năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như vận chuyển (logistic), kho lạnh, thanh toán điện tử, xúc tiến xuất khẩu… để tạo thành một hệ sinh thái tương hỗ, có tính liên kết chuỗi.

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết năm 2021, do tình hình dịch, triển lãm được tổ chức trực tuyến, thu hút hơn 12.000 khách tham quan và 350 cuộc giao thương kết nối. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của triển lãm.

Theo ông Dũng, TP.HCM là nơi trung nhiều nhất doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm cả nước, với các trang thiết bị khoa học công nghệ hiện đại nhất. Sau dịch, ngành sản xuất lương thực thực phẩm đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp có nhu cầu kết nối, mở rộng giao thương.

Theo đánh giá từ Collier gần đây, Việt Nam là điểm đến đầu tư sáng giá cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) khi so với các nước láng giềng Đông Nam Á. Các nghiên cứu thị trường của Colliers cũng chỉ ra rằng hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang cân nhắc đến ngành F&B vì đây là một trong những mảng bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam. 

"Đây là cơ hội mở rộng thị trường, giao thương với các đối tác quốc tế. Triển lãm cũng có nhiều hoạt động, tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh liên doanh sản xuất", ông Dũng nhận định.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược

Cũng từ ngày  11 - 13/8, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 cũng sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7). Năm 2022, đánh dấu mốc tổ chức lần thứ 20 của triển lãm này với quy mô 260 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia.

Nhiều triển lãm quốc tế lần đầu trở lại TP.HCM sau Covid-19: Cơ hội tìm đối tác cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược sẽ trở lại vào ngày 11 - 13/8. Ảnh: Vietnam Medi-Pharm

Triển lãm năm nay ghi nhận có sự đảo chiều giữa nhóm ngành dược và trang thiết bị y tế. Nếu như năm 2019 số doanh nghiệp trưng bày trang thiết bị y tế chiếm 70%, thì năm 2022 các nhãn hàng dược - thực phẩm chức năng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm tới 55% thị phần.

Tại triển lãm sẽ có mô hình xúc tiến của các quốc gia, gồm Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ. Song song góp mặt là các doanh nghiệp đến từ các nước có nền y học phát triển như Ba Lan, Đài Loan, LB Nga, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Sỹ, Úc, Trung Quốc…

Ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của trang thiết bị y tế trong nước chưa cao. Triển lãm cũng là nơi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế của các nước và Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, quảng bá và kết nối giao thương.

Trước đó, cuối tháng 7, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 cũng đã diễn ra tại TP.HCM. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất và có ưu thế nhất về ngành dệt may được tổ chức lại kể từ năm 2019, sau hai năm nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.