Mua sắm thiết bị y tế bị đẩy giá cao, bệnh nhân chịu hết
Mua sắm thiết bị y tế bị đẩy giá cao, bệnh nhân chịu thiệt
Hồng Phúc
Thứ hai, ngày 01/08/2022 19:37 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM cho biết thời gian qua, việc việc mua sắm trang y tế bị đẩy giá cao, dẫn đến thất thoát kinh phí lớn và bệnh nhân là người chịu thiệt.
Thông tin tại buổi họp báo về triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 tại TP.HCM chiều 1/8, ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM cho biết thời gian qua, việc mua sắm trang y tế bị đẩy giá cao, dẫn đến thất thoát kinh phí lớn.
Ông nhấn mạnh việc mua sắm trang y tế bị đẩy giá cao khiến bệnh nhân là người chịu thiệt.
Ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM (bên phải). Ảnh: H.P
Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM thông tin thêm trong cuộc họp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông chỉ ra một số hạn chế trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế.
Các hạn chế hiện nay nằm ở hợp đồng mời thầu, hồ sơ mời thầu và các yếu tố kỹ thuật. Thời gian qua, Bộ Y tế và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tiêu cực, tránh đội giá trong việc mua sắm trang thiết bị y tế như Nghị định 58, Thông tư 14 hay cổng thông tin giá…
Nhưng ông Doãn cho rằng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ làm giảm tiêu cực trong việc mua sắm thiết bị y tế, mà bản chất cần phải can thiệp vào quy trình đấu thầu.
Cụ thể, một cơ quan vừa làm tất cả mọi công đoạn từ mời thầu, thẩm định… thì tính minh bạch không còn. Thay vì vậy, cần có sự vào cuộc của Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư ở từng công đoạn phù hợp ngành của mình thì mới minh bạch, công bằng, hạn chế dẫn đến tiêu cực.
"Giải quyết chuyện mua sắm này ngoài thông tư, phải giải quyết triệt để từ lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu với giá hợp lý, đạt tiêu chuẩn", ông Doãn nói thêm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM đề xuất lập riêng một khu công nghiệp về trang thiết bị y tế. Ảnh: PV
Theo ông, tình hình mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua gặp nhiều khó khăn, các ngành, đơn vị rất hạn chế mua sắm dẫn đến thiếu vật tư, thuốc men cho người bệnh. Đây đang là trăn trở của người công tác trong ngành.
Ông cũng cho biết thêm trong hai năm dịch Covid-19, ngành sản xuất dụng cụ y khoa như găng tay, khẩu trang có cơ hội phát triển, nhiều dây chuyền nước ngoài được nhập về sản xuất. Cùng với đó là làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đến Việt Nam.
"Tuy nhiên, do chưa có nền tảng, thể chế hỗ trợ sản xuất trong nước nên việc chuyển dịch về Việt Nam mang tính tự phát, không có cơ quan chung đầu tư trang thiết bị y tế. Theo tôi, cần có một cơ quan chuyên trách, đánh giá, truyền thông, mời gọi các công ty nước ngoài tham gia đầu tư", Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM thẳng thắn.
Ông Doãn đề xuất lập riêng một khu công nghiệp về trang thiết bị y tế để thu hút doanh nghiệp ngoại, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển theo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội thiết bị Y tế TP.HCM cho biết triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 20 sẽ chính thức diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11 - 13/8 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Tại triển lãm sẽ có mô hình xúc tiến quốc gia (gồm Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ). Song song góp mặt là các doanh nghiệp đến từ các nước và vùng lãnh thổ có nền y học phát triển như Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), LB Nga, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Sỹ, Úc, Trung Quốc…
Đây được đánh giá là cơ hội các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế của các nước tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.