Theo quy định hiện hành, một chiếc xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau. Trong khi đó, xe ôtô lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn còn 7 loại thuế và phí khác.
Cụ thể, một chiếc xe ôtô muốn lăn bánh trên đường sẽ phải chịu các khoản thuế và phí sau:
Thuế nhập khẩu
(Áp dụng cho xe ôtô nhập khẩu, không áp dụng xe lắp ráp trong nước): Các dòng xe đến từ Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao từ 56% đến 74% giá trị xe.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Đây là loại thuế có mục đích điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng… Tất cả các mẫu xe dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải nộp thuế này. Tùy từng chủng loại, dung tích xi lanh và công nghệ sử dụng, mỗi loại xe có mức thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau.
Thuế giá trị gia tăng
Là 10% giá trị xe cho tất cả các dòng xe. Đây là loại thuế áp dụng cho tất cả các loại hàng hoá tại Việt Nam, không chỉ riêng ôtô.
Phí trước bạ
Phí trước bạ xe ôtô đăng ký lần đầu là 10% giá trị xe, tùy từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể điều chỉnh tăng mức lệ phí trước bạ này.
Phí kiểm định
Kiểm định ôtô là quá trình kiểm tra chất lượng và độ an toàn của một chiếc xe có đáp ứng tiêu chí lưu thông an toàn trên đường hay không.
Phí bảo trì đường bộ
Theo nội dung Thông tư 133/2014/TT-BTC, mức phí bảo trì đường bộ cho xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân khoảng 130.000 đồng/tháng trong khi đó đối với tên Công ty sẽ là 180.000 đồng/tháng.
Phí cấp biển ôtô
Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ, phí cấp mới biển số ôtô được áp dụng khác nhau theo từng địa phương, trong đó mức phí cao nhất là 20 triệu đồng (Áp dụng cho khu vực 1 của thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) và thấp nhất là 200 nghìn đồng.
Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc
Đối với xe dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải, mức phí là 437.000 đồng/năm. Còn đối với xe từ 6-11 chỗ không kinh doanh vận tải, mức phí bảo hiểm là 794.000 đồng/năm.