Theo đó, năm 2017, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH đã triển khai chính sách phúc lợi động vật trong công ty.
Theo đại diện của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, đầu tiên công ty tăng cường phòng bệnh cho đàn bò sữa để đàn bò có sức khỏe tốt, không trải qua quá trình chữa bệnh. Trong chuỗi chăm sóc đàn bò từng khâu đều có quy trình và được kiểm soát khá chặt chẽ.
Bên cạnh đó, trong quá trình chữa bệnh, công ty có hệ thống theo dõi sức khỏe đàn bò bằng thẻ điện tử gắn ở chân bò. Thẻ này có tác dụng ghi nhận tình trạng sức khỏe của đàn bò. Khi con bò có thay đổi bất thường, các bác sĩ thú y sẽ tiếp cận kiểm tra con bò và tìm hiểu vấn đề sức khỏe. Nếu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, con bò sẽ nhanh chóng đưa ra khỏi đàn.
Vị đại diện này còn cho biết, thẻ điện tử này không chỉ cho biết con bò sống thế nào mà còn biết được con bò sắp chết ra sao để tìm cách giúp con bò chết nhẹ nhàng, bớt đau đớn.
Vị đại diện này chia sẻ, với chăn nuôi trang trại tập trung việc chăn thả không nhất thiết có không gian ngoài trời để đàn bò rong chơi. Tập tính con bò là ưa mát mẻ, ngày nắng thích ở trong mát. Đàn bò cũng rất thích tụ họp, thích môi trường quen thuộc. Vì vậy, việc duy trì nuôi theo nhóm chỉ cần không gian vừa phải cho đàn bò.
Tương tự, năm 2016, Công ty chăn nuôi Tám Do (Đồng Nai) xây dựng một trại nuôi heo với 1.200 con nái. Công ty áp dụng hình thức nuôi theo nhóm.
Theo anh Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Tám Do, thấy được lợi ích mà hình thức chăn nuôi này mang lại, năm 2020, anh quyết định mở thêm một trang trại thứ hai tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Trang trại nuôi heo nái của anh Hậu có quy mô vừa phải, thích hợp để người chăn nuôi học hỏi thử nghiệm phương pháp chăn nuôi theo nhóm.
"Nuôi heo theo nhóm, sử dụng các công nghệ tiên tiến có thể theo dõi được sức khỏe, khẩu phần ăn của lợn nái. Khi đàn heo có thể thể trạng tốt thì khi con sinh sẽ tăng về trọng lượng và cải thiện về năng suất", anh Hậu chia sẻ.
Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH cho biết, bước đầu trong quá trình thực hiện phúc lợi động vật đã gặp một số khó khăn. Do việc thực thi phúc lợi động vật còn quá mới mẻ nên các kiến thức về phúc lợi động vật chưa được sâu, chưa cụ thể về đàn bò sữa.
Thêm vào đó, việc chưa tiếp cận được các cơ quan chức năng thực thi phúc lợi động vật để nhận được hướng dẫn, đồng hành của các cơ quan này.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam có khoảng 81 triệu gà đẻ trứng, 2,4 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam.
Bà Hạ Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) nhận định, phúc lợi xã hội là xu hướng tất yếu. Việt Nam là một trong những nước có ngành chăn nuôi phát triển, các cơ quan ban ngành luôn cân nhắc để đón đầu xu hướng.
Bà Hạnh chia sẻ thêm, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp và hợp tác với tổ chức HSI (Tổ chức Humane Society International - HSI) về các dự án cải thiện phúc lợi động vật trong các trại nuôi, nâng cao nhận thức thông qua các sáng kiến khác nhau như tổ chức các chuyến tham quan, triển lãm.
"Là cơ quan tham mưu Bộ NNPTNT về nâng cao năng lực trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi xác định phúc lợi động vật là một trong những chương trình trọng điểm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong những năm trở lại đây và trong thời gian tới", bà Hạnh nói thêm.
Tiến sĩ Sara Shields, Giám đốc Khoa học, Phúc lợi Động vật trang trại (HSI) cho biết, phúc lợi động vật có nghĩa là thể trạng của các loài động vật liên quan đến điều kiện sinh sống. Những trải nghiệm của động vật được coi là phúc lợi tốt nếu nó khỏe mạnh, thoải mái, được chăm sóc đầy đủ, an toàn và không chịu những cảm giác đau đớn, sợ hãi, căng thẳng. Hơn nữa động vật được thể hiện các tập tính của mình theo bản tính tự nhiên.