Dân Việt

Chủ trương “tái định cư trước khi thu hồi đất” cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn

Quốc Hải 05/08/2022 15:28 GMT+7
“Sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là một nội dung quan trọng mà Nghị quyết 18/2022 của Ban chấp hành Trung ương nêu ra. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vấn đề này cần phải được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Chủ trương “tái định cư trước khi thu hồi đất” cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn - Ảnh 1.

Các dự án chậm tiến độ ở TP.HCM là do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Q.H

Tại TP.HCM, hàng chục năm qua, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn là khâu khó nhất, kéo dài nhất trong quá trình thực hiện dự án. Rất nhiều dự án chậm tiến độ cũng vì lý do này.

Hàng loạt dự án "đứng hình" vì khâu bồi thường tái định cư

Chẳng hạn, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai  (TP.Thủ Đức), được khởi công từ tháng 12/2017 với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, sau đó, cây cầu này mới đạt hơn 30% khối lượng rồi… "trùm mền" suốt 3 năm qua.

Do phát sinh chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến mới đây TP.HCM phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng (tăng 238 tỷ đồng).

Tương tự, dự án xây dựng cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP.HCM), được phê duyệt từ năm 2001 với tổng diện tích đất bị thu hồi là hơn 2,6 ha. Đến nay, dự án vẫn bị "đứng hình" chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, toàn bộ dự án có 128 hộ dân bị thu hồi đất. Năm 2005, chỉ có 25 hộ dân đồng ý nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. Giai đoạn 2 của dự án còn 103 hộ dân phải lập hồ sơ bồi thường theo quy định.

Chủ trương “tái định cư trước khi thu hồi đất” cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn - Ảnh 2.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B vẫn còn hàng trăm căn hộ bỏ hoang. Ảnh: Q.H

Theo UBND huyện Nhà Bè, trong số này có 46 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ có nhà đất không đủ điều kiện tái định cư.

Từ đầu năm 2022 đến nay, vẫn còn 35/130 hộ chưa đồng ý nhận bồi thường, huyện Nhà Bè đang tích cực vận động, thuyết phục, phấn đấu quý III/2022 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Dữ liệu từ HoREA cũng cho thấy, trong 116 dự án bất động sản vướng mắc mà đơn vị này gửi kiến nghị đến UBND TP.HCM để tháo gỡ, cũng có hàng loạt dự án vướng vào khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư.

Chẳng hạn, Công ty Phú Long (thành viên Tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) đã trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện Dự án Dragon City đất từ năm 2004.

Tuy nhiên đến nay, tại Phân khu số 15 của Dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời, dẫn đến hơn 16 năm nay doanh nghiệp không thể triển khai dự án.

Chủ trương “tái định cư trước khi thu hồi đất” cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn - Ảnh 3.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn là khâu khó nhất, kéo dài nhất trong quá trình thực hiện dự án. Ảnh: Q.H

Chung cảnh ngộ, Công ty S.S.G 2 đề nghị đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro số 6 tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên với dự án Thảo Điền Pearl.

Tuy nhiên, hơn 8 năm qua, Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận…

Chủ trương "tái định cư trước khi thu hồi đất" cần được quy định rõ ràng hơn

Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 để lấy ý kiến của người dân trước khi trình Chính phủ. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có lợi cho người bị thu hồi đất liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải họp dân trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Dự thảo luật cũng bổ sung nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất theo hướng việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.

Đặc biệt, việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tuy nhiên, trong góp ý mới vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã kiến nghị thêm một số quy định để chủ trương "tái định cư trước khi thu hồi đất" thêm rõ ràng, cụ thể hơn.

Chủ trương “tái định cư trước khi thu hồi đất” cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn - Ảnh 4.

Giải tỏa các khu dân cư ổ chuột ven sông vẫn là việc khó với TP.HCM. Ảnh: Q.H

Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung cụm từ "giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư)" trong thời gian chờ được "tái định cư tại chỗ" vào khoản 17 Điều 3, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 94 và khoản 3 Điều 96 "Dự thảo Luật Đất đai" để UBND cấp tỉnh có căn cứ thực hiện.

Cụ thể, khoản 2 Điều 94 "Dự thảo Luật Đất đai" quy định "các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất", nhưng chưa quy định khoản hỗ trợ về "giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư)" trong thời gian chờ được "tái định cư tại chỗ". 

Và Khoản 3 Điều 96 "Dự thảo Luật Đất đai" quy định: "Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ", nên rất cần thiết bổ sung quy định về "giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư)" trong thời gian chờ được "tái định cư tại chỗ".

"HoREA đề nghị bổ sung nội dung "giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư tự lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ" trong trường hợp người sử dụng đất thu hồi được "tái định cư tại chỗ" vào dự thảo Luật Đất đai", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.