Trước mối đe dọa từ "sát thủ" đại dương Sargassum, cư dân địa phương cảnh báo: Hãy quên quái vật biển và thủy triều hung dữ đi! (Video: Honolulu Star/AP)
Khác xa với cảnh tượng trông có vẻ như trong phim ảnh, "sát thủ" đại dương Sargassum bành trướng lực lượng rất nhanh, tạo nên các "tấm thảm nổi" khổng lồ màu nâu đỏ lan rộng gần bờ biển, "đóng băng" các hoạt động kinh tế và du lịch tại nhiều bãi biển nổi tiếng hút khách.
"Nếu đặt tất cả lượng sinh khối này cạnh nhau, toàn bộ khu vực sẽ tương đương với gấp 6 lần Vịnh Tampa. Các ‘tấm thảm’ nổi khổng lồ làm tắc nghẽn ngư cụ và cản trở hàng hải trên biển. Đồng thời gây ra cảnh mắc cạn hàng loạt trên các đường bờ biển. Tiếp theo là sự phân hủy gây bất lợi lớn với con người, hệ sinh thái và nền kinh tế" - nhà nghiên cứu Chuanmin Hu của Đại học Nam Florida, Mỹ cảnh báo.
"Sát thủ" đại dương Sargassum đã gia tăng lên mức "phá kỷ lục mọi thời đại" tới 24,2 triệu tấn trong tháng 6 vừa qua. (Ảnh: DM)
"Sát thủ" đại dương Sargassum được tìm thấy tại vùng nhiệt đới, trung tây và đông Đại Tây Dương, vùng biển Caribbea và Vịnh Mexico. Chúng đã gia tăng từ 18,8 triệu tấn hồi tháng 5 lên mức "phá kỷ lục mọi thời đại" tới 24,2 triệu tấn trong tháng 6.
Theo cập nhật mới nhất của mạng lưới giám sát Sargassum, hiện có 10 bãi biển ở Mexico đang bị "sát thủ đại dương" Sargassum bủa vây. Tình hình trở nên tệ hại đến mức hồi tháng 7, ông Albert Bryan - Thống đốc quần đảo Virgin (nhóm đảo vùng Caribbea thuộc Mỹ) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
"Sát thủ" đại dương Sargassum tạo nên những "tấm thảm" nổi khổng lồ, làm tắc nghẽn ngư cụ và cản trở hàng hải trên biển. (Ảnh: Saltydogbwi3/YouTube)
Tình trạng "sát thủ" đại dương Sargassum đe dọa các bãi biển vùng Caribbea, theo nhà nghiên cứu Hu, có thể vẫn tiếp diễn vào mùa Hè nên cần coi đó một điều "bình thường mới". (Ảnh: Saltydogbwi3/YouTube)
Một ngày sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ này, với lý do tình trạng tắc nghẽn do Sargassum gây ra là mối đe dọa với các nhà máy khử muối của quần đảo Virgin - nơi cung cấp nước ngọt cho cả vùng.
Sau khi trôi dạt vào bờ biển, "sát thủ" đại dương Sargassum phân hủy, bốc mùi kinh khủng. Theo các nhà nghiên cứu, lúc này "sát thủ" đại dương Sargassum có thể thải ra khí độc, gây tình trạng tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt và các triệu chứng khó chịu khác với con người.
Sargassum là loại rong biển được gọi là Tảo mơ hoặc Rong mơ, chịu được sóng to gió lớn, cây và lá có màu nâu hoặc xanh đậm, dài tới vài mét. Một số loài Sargassum được sử dụng làm thực phẩm do tính thanh nhiệt hoặc làm thuốc.
Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết: Bản thân Sargassum không phải là vấn đề vì nó có thể cung cấp môi trường sống và nơi kiếm ăn cho nhiều loài sinh vật biển như cua, cá heo, lươn…
Nhà nghiên cứu Hu cũng đồng ý rằng Sargassum không gây ra vấn đề gì khi ở trên biển. Ngoài ra còn có nhiều cách để sử dụng loại rong biển này như làm salat, chế biến thành phân bón, làm gạch, làm giày đánh tennis… Nhưng có những bằng chứng cho thấy lượng lớn rong biển này nếu chết và chìm xuống đáy đại dương, có thể "bóp chết" các rạn san hô và gây ra những hệ lụy môi trường khác.
Caribbea là khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào lữ hành và du lịch trên toàn cầu. (Ảnh: tourradar)
Môi trường ven biển của vùng Vịnh Mexico hỗ trợ cho ngành du lịch tương tác với động vật hoang dã trị giá 19 tỷ USD. (Ảnh: travelhoteltours)
Thời "hậu Covid-19" ngành du lịch vùng Caribbea đạt được sự phục hồi nhanh thứ 2 trong tất cả các khu vực, với mức đóng góp vào GDP tăng 36,6%. Theo wttc.org ngày 1/7, giai đoạn 2022-2032 đóng góp của du lịch vào GDP toàn cầu ước tính sẽ tăng với tốc độ trung bình là 5,8% mỗi năm. Riêng du lịch và lữ hành vùng Caribbea có thể vượt xa mức này, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,7%; tăng doanh thu từ khoảng 50,5 tỷ USD năm 2022 lên mức 96,6 tỷ USD năm 2032.
Vùng Vịnh Mexico là hải vực lớn thứ 9 thế giới, là một nhánh của Đại Tây Dương, bao bọc bởi phần lớn lục địa Bắc Mỹ và Cuba. Vịnh Mexico cùng với vùng Caribbea có thể coi như một nội hải của châu Mỹ.
Môi trường ven biển của vùng Vịnh Mexico hỗ trợ cho ngành du lịch tương tác với động vật hoang dã trị giá 19 tỷ USD, thu hút 20 triệu khách du lịch mỗi năm tới tham gia các hoạt động giải trí như câu cá, săn bắt và quan sát động vật hoang dã.