Attila thống lĩnh Hung Nô từ năm 434 đến năm 453 sau CN và được đánh giá là vị thiền vu kiệt xuất nhất của đế chế này. Dưới sự cai trị của ông, Hung Nô trở thành một thế lực quân sự đáng gờm, càn quét toàn bộ khu vực Đông Âu, đánh bại các bộ tộc man rợ khác tại châu Âu và suýt nữa có thể bình định toàn bộ đế chế La Mã.
Trong suốt 19 năm trị vì của mình, đội quân trên mình ngựa của Attila đã gây nhiều thảm cảnh kinh hoàng với những vụ cướp bóc, tàn sát đẫm máu và bắt nhiều người làm nô lệ. Vì thế, nhiều sử gia châu Âu đã kinh sợ gọi Attila bằng biệt danh “Flagellum Dei”, có nghĩa là “Sự trừng phạt của Chúa trời”.
Năm sinh của Attila vẫn là một điều bí ẩn, dù có một số phỏng đoán cho rằng ông chào đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ 5 sau CN. Cha của Attila được cho là Mundzuk, một tướng lĩnh Hung Nô và em trai của vị thiền vu lúc đó là Rugila, còn mẹ của ông ban đầu được cho là một phụ nữ có tên là Hungysung Vladdysurf, nhưng cái tên này gần đây đã bị chứng minh chỉ là một sự thêu dệt.
Attila cũng có một anh trai tên Bleda (hay còn được gọi là Buda). Khi còn trẻ, hai anh em đều được dạy bắn cung, cưỡi ngựa và binh pháp nhằm chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo Hung Nô trong tương lai. Ngoài ra, nhiều nguồn sử liệu còn tiết lộ Attila và Bleda còn được học tiếng Latin và Gothic để họ có thể giao tiếp một cách dễ dàng hơn với những sứ thần người La Mã và Goth.
Năm 433 sau Công nguyên, Rugila tử trận khi đang tham gia cuộc tấn công vào kinh thành Constantinople, trái tim của đế chế Đông La Mã. Do không có con trai, ngôi vị thiền vu của Rugila nghiễm nhiên được truyền lại cho 2 người cháu trai của ông. Ban đầu, Attila và Bleda cùng chia sẻ quyền cai trị đế chế Hung Nô, nhưng sau đó, cái tên Bleda bất ngờ biến mất một cách bí ẩn.
Nhiều tư liệu cho rằng chính Attilia sát hại anh trai mình để dễ bề thâu tóm quyền lực tuyệt đối của đế chế Hung Nô, nhưng cũng có người cho rằng Bleda đã tử trận trong một cuộc xâm lược vào Đông La Mã. Priscus, một sứ thần của Đông La Mã được cử đến Hung Nô, cho biết vợ góa của Bleda vẫn được Attila hết mực tôn trọng và đối xử tử tế cho đến khi vị thiền vu này qua đời.
Dưới thời Attila, người Hung Nô đã hợp nhất các nhóm các bộ lạc man rợ khác tại châu Âu, như các tộc người Germanic, Scythia và cả người Goth… thành một liên minh quân sự thống nhất.
Sau khi thiết lập hậu phương vững chắc tại vùng đồng bằng châu thổ sông Danube, từ năm 441, quân Hung Nô do Attila chỉ huy tiến vào vùng Balkan, lúc này đang nằm dưới sự cai trị của đế chế Đông La Mã. Quân Hung Nô thắng như chẻ tre và nhanh chóng áp sát kinh thành Constantinople.
Tưởng chừng như 3 lớp tường thành vững chắc của đế đô Đông La Mã có thể ngăn cản vó ngựa người Hung Nô, thì 1 trận động đất bất ngờ xảy ra, khiến nhiều mảng tường thành, tháp canh bị tàn phá và hư hỏng nghiêm trọng. Vua Theodosius II của Đông La Mã, nhận thấy khó có thể chống được sức mạnh của người Hung Nô, đã buộc phải cầu hòa với cái giá phải trả là khoản cống nạp hàng năm lên tới 2.100 cân vàng.
Dù vậy, điều này vẫn chẳng thể thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Attila. Miếng mồi béo bở của vị thiền vu Hung Nô lúc này nằm ở đế chế Tây La Mã, nơi vừa hứng chịu thất bại “chưa từng thấy” trước liên quân của người Goth và bất lực trước cuộc di cư ồ ạt của những tộc người man rợ vào định cư trong lãnh thổ nước mình.
Không chỉ vậy, một sự kiện khó tin đã xảy với Attila, tạo cho ông một cơ hội “ngàn năm có một” để tiến hành cuộc xâm lược Tây La Mã. Honoria, em gái vua Valentinian của Tây La Mã, bị phát hiện dan díu với người quản gia của bà. Hậu quả của mối tình vụng trộm này là Honoria có thai và bị nhà vua biệt giam. Nhưng bằng một cách nào đó, bà vẫn lén gửi được tới Atilla chiếc nhẫn cưới cùng bức thư cầu cứu của mình, và vị thiền vu Hung Nô xử lí việc này bằng một đề nghị “khủng”: dùng vũ lực để giải cứu "vị hôn thê tương lai" của mình, với của hồi môn là 1 nửa đế chế La Mã.
Trong khi ai cũng nghĩ rằng Attila sẽ tấn công thẳng vào Rome không sớm thì muộn, thì người Hung Nô bất ngờ bỏ qua Tây La Mã mà vòng sang tận vùng lãnh thổ phía Tây, tức xứ Gaul, nước Pháp ngày nay. Nguyên do đến từ sự xích mích giữa tộc trưởng người Frank tại đây, một người muốn sự bảo trợ từ Tây La Mã trong khi người còn lại muốn ngả về phía Hung Nô.
Năm 499, quân của Atilla ồ ạt vượt sông Rhine tiến đánh vào lãnh thổ của người Gaul. Người Hung Nô, được trợ chiến bởi các tộc người Germanic, Ostrogoth, Burgundian và Alan, nhanh chóng san bằng hàng loạt thành trì của người Gaul tại Rheims, Mainz, Strasbourg, Cologne, Worms và Trier. Theo các sử gia đương thời, tổng số quân viễn chinh của Đế quốc Hung Nô và chư hầu lúc này đã lên tới 700.000 người, trong đó số quân trực chiến đã lên đến 250.000 người
Cả Tây La Mã rúng động, vua Valentinian lúc này hiểu rằng nếu không dốc toàn lực quyết đấu một trận sống còn, viễn cảnh thành Rome sụp đổ dưới vó ngựa Hung Nô là điều tất yếu. Đại tướng quân Flavius Aetius đã dùng mọi cách để tập hợp đội quân gồm các binh đoàn đánh thuê người Visigoths, Alan và Burgundian kết hợp với lính La Mã chính quy của mình. Dù đây là một đội quân ô hợp và không thể đảm bảo tính trung thành với La Mã, nhưng đó là tất cả những gì ông có thể làm cho mặt trận tại xứ Gaul.
Ngày 20.4 năm 451, đại quân 2 bên đụng nhau ở cánh đồng Catalaunian, miền bắc nước Pháp ngày nay. Aetius quyết định đưa đội lính đánh thuê người Alan vào trung tâm để làm bia đỡ đạn từ quân Hung Nô, đồng thời đưa đạo quân La Mã của mình chiếm được một ngọn đồi phía sườn bên phải và quân Visigoths bọc hậu phía cánh trái.
Do có lợi thế về địa hình, Quân La Mã từ trên đỉnh đồi đã trút 1 trận mưa tên, máy bắn đá lên đầu quân Hung Nô, gây áp lực lớn lên cánh phải của Attila. Quân Alan tuy phải chịu trận ở tuyến đầu nhưng vẫn anh dũng chiến đấu, đẩy lui nhiều cuộc tiến công của Hung Nô. Cùng lúc đó, đội kỵ binh Visigoth kịp thời đến cứu viện, đánh mạnh vào cánh trái quân Hung Nô. Trận đánh kéo dài đến nửa đêm thì toàn bộ quân đoàn Hung Nô vỡ trận, Attila phải rút lui về cố thủ trong pháo đài Orlean.
Dù dành được chiến thắng quyết định, nhưng Aetius không dám hạ lệnh truy kích tàn quân Hung Nô. Có thể ông lo ngại rằng đối phương tuy thua nhưng vẫn còn rất mạnh, cũng có thể Aetius muốn giữ lại người Hung Nô để làm áp lực gián tiếp khống chế các tộc người xứ Gaul phải tiếp tục thần phục La Mã. Thực tế thời kỳ này, đế chế Tây La Mã đã quá suy yếu, thường xuyên phải sử dụng những đội lính đánh thuê man rợ để chống lại người Hung Nô, từ đó người La Mã dần bị coi thường, các ông vua “man tộc” ngày càng giàu có và muốn tách thành những vương quốc độc lập.
Attila vẫn tiếp tục đánh phá những vùng biên thùy của Tây La Mã cho đến tận năm 452, khi đích thân Giáo hoàng Leo đã đến gặp Attila, dùng tài hùng biện của mình để thuyết phục thiền vu Hung Nô dàn xếp hòa ước với người La Mã và và trao tặng cho ông những chiếc áo choàng quyền quí của giới tăng lữ.
Do tình trạng khan hiếm lương thực và bệnh dịch hạch đang hoành hành trong hàng ngũ quân Hung Nô, cộng với việc từng được các tướng lĩnh cảnh báo chớ dại mà động tới thành Rome, Atilla chấp nhận lời thỉnh cầu của Giáo hoàng nhưng với điều kiện Tây La Mã cũng phải thần phục Hung Nô bằng việc cống nạp một số vàng lớn, giống như Đông La Mã, để gìn giữ hòa khí giữa 2 đế chế.
Bi kịch đêm tân hôn
Năm 453 sau Công nguyên, Attila kết hôn với một người phụ nữ tộc Germanic tên là Ildico. Sau một đêm chè chén say sưa mừng lễ cưới, vị thiền vu Hung Nô lui về hôn phòng cùng cô dâu mới cưới của mình.
Đến sáng hôm sau, những người hầu cảm thấy lo lắng vì Atilla không thức dậy như mọi khi. Không thể đánh thức ông ta dậy, họ phá cửa vào hôn phòng và sững sờ phát hiện thi thể bê bết máu của Attila nằm dài trên giường, bên cạnh người vợ mới cưới đang than khóc.
Rất nhiều giả thiết được đưa ra về cái chết bí ẩn của Attila. Phổ biến nhất là giả thuyết cho rằng Attila bị chứng máu cam mãn tính. Do uống quá nhiều rượu, ông đã vô tình làm dâng trào lượng máu nóng trong cơ thể và tử vong khi tình trạng chảy máu cam trở nên mất kiểm soát.
Sự ra đi của Attila cũng là hồi cáo chung cho Đế chế Hung Nô. Ba con trai Ellac, Dengizich và Ernakh của ông liên tục gây chiến với nhau để tranh giành phần lãnh thổ mà người cha của họ từng chiếm được. Nhân cơ hội đó, các bộ tộc vốn là chư hầu của Hung Nô đã lần lượt khởi nghĩa để giành độc lập.
Cuộc nổi dậy đầu tiên là của người Ardaric dưới sự lãnh đạo của vua Gepidae. Vào năm 454, quân Ardaric đã đánh bại Hung Nô trong trận chiến tại Nedao (nay thuộc phía tây Hungary) và Ellac bị giết hại.
Các bộ lạc khác nhanh chóng hưởng ứng Ardaric để hình thành liên minh chống Hung Nô. Đến năm 469 sau CN, đế chế Hung Nô hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ châu Âu, nhanh như cách họ tung chinh phạt châu lục này.
Toàn bộ di sản còn sót lại của người Hung Nô cho đến nay chỉ còn là những ký ức về một thế lực đáng sợ được lãnh đạo bởi người thủ lĩnh quyền lực và tàn bạo nhất của họ, thiền vu Attila, cùng câu nói nổi tiếng của ông:
"Nơi nào có ta đi qua, nơi đó cỏ không thể mọc lên được nữa".