Tôn Quyền và lá thư làm Tào Tháo lui binh "không kèn không trống"
Tôn Quyền và lá thư làm Tào Tháo lui binh "không kèn không trống"
Thứ bảy, ngày 06/08/2022 12:32 PM (GMT+7)
Một trận chiến được ví như tên đã lên cung, sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào, lại kết thúc một cách bình lặng đến khó hiểu chỉ nhờ một lá thư Tôn Quyền gửi Tào Tháo.
Tào Tháo từng tán dương Tôn Quyền - "Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu". Câu nói này của ông lưu truyền suốt 1.700 năm, và trở thành một câu nói rất nổi tiếng ngày nay.
Kỳ phùng địch thủ
Tôn Quyền là con trai "mãnh hổ Giang Đông" Tôn Kiên, em trai Tiểu Bá Vương Tôn Sách. Tôn Kiên và Tào Tháo từng là "chiến hữu" trong chiến dịch thảo phạt Đổng Trác của 18 lộ chư hầu Quan Đông.
Câu nói trên được Tào Tháo nói ra vào tháng Giêng, năm Kiến An 18 (213), khi Tôn Quyền đã kế thừa sự nghiệp từ cha, anh, trở thành quân chủ của Đông Ngô, đứng ngang vai cùng Tào Ngụy và cũng là đối thủ mạnh nhất của Tào.
Vào năm này, Tào Tháo thống lĩnh 40 vạn đại quân Nam hạ đánh Đông Ngô ở Nhu Tu Khẩu, hòng báo mối thù thất bại tại Xích Bích 5 năm trước đó.
Để tăng cường phòng tuyến mạn Bắc Trường Giang, Tôn Quyền thiên đô từ Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô) về Mạt Lăng (Nam Kinh ngày nay) và huy động thủy quân kiểm soát đường thủy từ Sào Hồ ra Trường Giang, ngăn chặn Tào Tháo vượt sông.
Quân đội của Tào Tháo sau khi tiến về Nhu Tu Khẩu đã công phá đại doanh Tôn Quyền ở mạn Bắc. Quyền nghe tin, vội lĩnh 7 vạn quân nghênh chiến.
Sau trận đánh "ngang tay" đầu tiên, Ngụy bị Tôn Quyền tiêu diệt hàng nghìn quân và lập tức thay đổi chiến lược sang cố thủ, chờ đợi "chuyển cơ". Quyền nhiều lần khiêu chiến nhưng đều bị Tào Tháo phớt lờ.
Theo sử liệu Trung Quốc, Tôn Quyền từng đích thân ngồi chiến thuyền tiến sâu vào địa phận Tào doanh để thị sát.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung viết thành Gia Cát Khổng Minh "thuyền cỏ mượn tên", thực ra là cố ý tô vẽ cho "thần nhân" Gia Cát Lượng. Người thực sự "mượn tên", chính là Tôn Quyền.
Địa điểm diễn ra sự kiện trên cũng không phải Xích Bích, mà là Nhu Tu Khẩu, thời gian cũng cách nhau tới 5 năm.
Tất nhiên, Tôn Quyền hoàn toàn không chủ động đi "mượn tên", mà việc lọt vào loạn tiễn của Tào Ngụy hoàn toàn là bị động.
Tuy nhiên, sự kiện "mượn tên" vô tình đã phản ánh được tài năng ứng biến và chỉ huy quân sự trác tuyệt của Tôn Quyền.
Có một lần khác, Tôn Quyền lại dẫn thuyền vào gần địa phận Tào quân khiếu chiến.
Thủ hạ của Tào muốn xuất chiến, nhưng bị Tào Tháo ngăn lại, nói - "Đó là Tôn Quyền tới thăm dò quân ta đó thôi", và lệnh cho ba quân phòng bị. Không một mũi tên nào được bắn ra.
Tôn Quyền thấy Tào quân không dám phóng tên bừa bãi thì yên tâm tiến về phía trước, cho tới khi... quan sát rõ ràng toàn bộ Tào doanh mới rút về.
Tào Tháo thấy quân đội Đông Ngô hàng ngũ chỉnh tề, ra vào như chỗ không người, cũng phải cảm thán - "Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu. Đám con của Lưu Cảnh Thăng chỉ là đồ chó lợn".
Lưu Cảnh Thăng chính là Lưu Biểu, các con của Biểu là Lưu Tông và Lưu Kỳ bị Tào Tháo xem như bất tài vô tướng.
Tào Tháo đứng ở địa vị trưởng bối để nói về "hậu sinh" Tôn Quyền, đủ thấy đây là sự đánh giá rất cao dành cho địch thủ, của 1 lão anh hùng dành cho 1 thanh niên tuấn kiệt.
Có ý kiến cho rằng, cũng vì Tào Tháo nể phục tài năng của Tôn Quyền, khiến cho cuộc chiến tại Nhu Tu Khẩu kết thúc theo một cách rất đặc biệt.
Lá thư của Tôn Quyền
Chiến dịch này không hề phân thắng bại trên chiến trường hay một bên lặng lẽ lui quân, mà kết thúc nhờ một lá thư Tôn Quyền gửi cho Tào Tháo.
Trong thư, Tôn Quyền khuyên Tào lui binh. Đáng ngạc nhiên là, Tào Tháo không những không cảm thấy nực cười, mà ngược lại, ông không hề do dự rút quân theo yêu cầu của Tôn Quyền.
Một trận chiến được ví như tên đã lên cung, sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào, lại kết thúc một cách bình lặng đến khó hiểu chỉ vì 2 nhà lãnh đạo "tâm ý tương thông".
Đối với các học giả hiện đại, sự kết thúc của chiến dịch Nhu Tu Khẩu vẫn là câu hỏi không có đáp án, thậm chí là vô lý.
Trong chiến tranh thời cổ đại, hai bên đối địch thường thông qua thư từ và sứ giả để thực hiện tâm lý chiến. Tuy nhiên, các bên thường chỉ đứng trên lập trường của bản thân và ra sức chỉ trích đối phương, dẫn đến hiệu quả ngoại giao đạt được vô cùng ít ỏi.
Trong bối cảnh như vậy, hiệu quả mà lá thư của Tôn Quyền mang lại được đánh giá là "kỳ tích" và có trình độ cực cao.
Cũng trong đặc thù thời đại như vậy, việc Tào Tháo có thể đứng trên lập trường của Tôn Quyền để thể nghiệm, thậm chí đưa ra phán quyết dứt khoát dẫn đến kết quả thần kỳ của cuộc đối đầu.
Trong lịch sử đối đầu ngoại giao ở Trung Quốc thời cổ đại, hiện tượng này có gọi là "độc nhất vô nhị".
Thư của Tôn Quyền viết khoảng tháng 2-3 năm 213 (âm lịch), thời điểm mà Ngô - Ngụy đã ở trong trạng thái đối đầu ở Nhu Tu Khẩu được hơn 1 tháng.
Cục diện khi ấy, Tào Ngụy chưa giành được chiến tích nào đáng kể, cũng không đạt được bất kỳ lợi ích thực tiễn nào.
Trong khi đó, Giang Nam bắt đầu bước sang mùa mưa, càng khiến việc Tào quân lưu lại Đông Ngô thêm phần khó nhọc. Đây là điều mà một vị tướng thông minh như Tôn Quyền "đã đi guốc trong bụng Tào Tháo".
Vì vậy, thư của Tôn Quyền viết - "Mưa xuân (mùa mưa) đã về, ngươi hãy mau rút quân".
Thậm chí, Quyền còn có dòng "tái bút" đầy uy hiếp - "Ngươi không chết, ta không được yên lòng".
Lời nói của Tôn Quyền quả thực có phần ngông cuồng và bất kính đối với bậc "tiền bối" Tào Tháo, nhưng thực tế lại mang hiệu quả hoàn toàn ngược lại.
Tào Tháo đã xem đây là sự tôn trọng ở mức độ cao nhất. Ông đem nội dung trong thư nói với chư tướng, và phán - "Tôn Quyền không lừa ta".
Tào Tháo lui binh ngay sau đó, sang tháng 4/213 đã về tới Nghiệp Thành.
Sự việc "lá thư của Tôn Quyền" là một nước cờ vô cùng thông minh của cả 2 phe.
Tào Tháo lĩnh hàng trăm ngàn quân rầm rộ thảo phạt Đông Ngô, song lại bị sa lầy tại đây, đánh không thắng mà cũng không có lý do để lui, đành phải ở lại "giằng co" không rõ ngày phân thắng bại với Tôn Quyền.
Điều Tôn Quyền cần làm đơn giản chỉ là "chìa cành ô liu" cho Tào Tháo, giúp Tào có một nấc thang đi xuống. Việc này đồng thời mang lại thanh danh cực lớn cho Đông Ngô, đối với Tôn Quyền mà nói chính là nước đi "song thắng".
Trong khi các học giả hiện đại chưa tìm ra lời giải cho cuộc chiến khó hiểu ở Nhu Tu Khẩu, thì quan điểm được thừa nhận nhiều nhất là: Chỉ có cuộc giao phong của 2 anh hùng thực thụ mới triển hiện được sự "đồng điệu tâm linh" và mang lại kết quả kịch tính đến như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.