Khi toàn xã hội quay lại nhịp sống bình thường, ngay lập tức Vũ Huân lao vào triển khai loạt phim web drama Chị cả trên mây (ý tưởng Vũ Huân, kịch bản: Phan Ngọc Liên), dự kiến phát sóng vào tháng 8.
Trong hành trình nghệ thuật của mình, từ vai trò diễn viên đến đạo diễn, Vũ Huân đã hóa thân và chiêm nghiệm rất nhiều thân phận nhân vật. Khi bắt tay vào thực hiện web drama, anh chọn hướng khai thác những câu chuyện về những vấn đề nổi cộm đang diễn ra thường ngày, để qua đó phê phán các tệ nạn trong xã hội đương đại.
Chị cả trên mây là một bộ phim nhiều tập, mỗi tập là một câu chuyện độc lập. Trong series thứ nhất gồm 4 tập, mỗi tập 25 phút có bối cảnh câu chuyện diễn ra tại một khu lao động phức tạp của Sài Gòn. Tại đó, có một bà mẹ tên Châu Bích Lệ có lối sống phóng đãng, mê đánh đề hạng nặng và thiếu nợ chồng chất.
Sống với bà mẹ hư hỏng nhưng 3 đứa con của Châu Bích Lệ là Châu Nguyệt Tú, Châu Cẩm Tú, Châu Minh Tú rất thương người sinh ra mình, vì vậy, chúng phải tìm đủ mọi cách, bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền trả nợ cho bà. Thói thường, ở bất cứ nơi nào có cờ bạc, đề đóm thì có người cho vay nặng lãi, và cả đám lâu la giang hồ khát máu. Mối quan hệ giữa kẻ vay nợ và kẻ cho mượn nợ luôn là mối xung đột không có hồi kết. Từ đây, kịch tính của số phận con người được phơi bày trong cả nỗi đau, máu và nước mắt. Tuy nhiên, để câu chuyện bớt màu sắc bạo lực, Vũ Huân đã lồng ghép vào đó nhiều tình huống hài hước rất trái khoáy.
Và tài năng diễn xuất của nghệ Ngân Quỳnh, Hiếu Hiền, Anh Đức, Kim Đào, Đại Ngọc Trâm, Minh Khánh, Kim Nhã đã tạo nên một câu chuyện kịch tính bao gồm cả 2 yếu tố bi và hài. Các tập trong series đầu tiên đã đạt được mục tiêu mà đạo diễn Vũ Huân muốn hướng tới là miêu tả tận cùng hậu quả của lối sống tệ nạn, để từ đó người xem suy ngẫm và từ bỏ nó.
Kim Đào, một gương mặt hài rất ấn tượng, hóa thân vào nhân vật Châu Cẩm Tú. Cô diễn viên trẻ này rất tâm đắc với bộ phim, đã chia sẻ cảm nghĩ: "Đạo diễn Vũ Huân là một người có nguồn năng lượng thật khủng khiếp. Khi mọi người trong ê kíp đã mệt mỏi, xuống sức, anh ấy luôn là người truyền ngọn lửa để mọi người cùng bùng cháy. Về nội dung, khi nhận được kịch bản phim Chị cả trên mây, tôi lập tức bị cuốn hút vì câu chuyện không đề cập đến tình yêu hay các chủ đề quen thuộc mà khai thác chủ đề về tệ nạn mà nhiều người đang mắc phải như số đề, cho vay nặng lãi, chấp nhận làm tiểu tam để vòi tiền đại gia. Tôi hy vọng rằng khi xem phim, nhiều người sẽ rút ra những điều hay cho cuộc sống".
Vũ Huân là thế. Anh thuộc tuýp người hành động và rất quyết liệt. Khi bắt tay vào làm một dự án nghệ thuật nào đấy, anh luôn tìm kiếm điều mới mẻ từ việc chọn lựa diễn viên đến khai thác đề tài. Sự quyết đoán, mạnh mẽ là một thành tố quan trọng giúp Vũ Huân thành công nhưng đồng thời khiến anh gặp nhiều thách thức.
Vũ Huân sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại TP.HCM. Cha mẹ anh muốn con theo học những trường có tương lai như kinh tế, sư phạm hoặc y khoa. Một lần, Vũ Huân bày tỏ ý định trở thành diễn viên, dẫu từng biết con có tham gia văn nghệ ở trường, cha mẹ anh từ chối thẳng. Lý do, nghệ thuật quá bấp bênh và hơn ai hết họ biết con mình rất xấu, sẽ chẳng có tương lai nào với cái nghề cần thanh và sắc.
Vũ Huân không trực tiếp cãi lời cha, nhưng anh cùng lúc nạp hồ sơ thi đại học tài chính và cả trường nghệ thuật sân khấu 2. Anh đậu cùng lúc hai trường nhưng bỏ nghệ thuật. Anh tốt nghiệp đại học tài chính năm 1998, đi làm nhân viên kinh doanh vài năm. Dành dụm được ít tiền. Có tiền hơn bạn bè cùng lứa nhưng trong lòng Huân không thấy hạnh phúc. Cái giấc mơ trở thành nghệ sĩ cứ cháy âm ỉ trong tâm trí anh. Thế là Huân vứt bỏ tất cả, thi lại vào trường nghệ thuật học chung với lứa đàn em.
Ý thức mình bắt đầu muộn màng và bất lợi ngoại hình nên Huân rất chuyên tâm. Anh đào sâu vào những nhân vật có cá tính. Anh tình nguyện đi phụ việc cho các đoàn phim, đoàn kịch. Chuyện gì anh cũng làm để hiểu sâu về nghề và tìm kiếm cơ hội.
Một ngày, cánh cửa vận may đã mở ra. Vũ Huân nhớ lại: "Vào năm thứ hai, trường nghệ thuật, nhìn thân hình ốm nhom và đen thui cộng với cái mũi to và cặp mắt trố của tôi, ai cũng nói mơ ước làm nghệ sĩ của tôi là một sự hoang tưởng. Vậy mà không hiểu vì sao, anh Quyền Linh nhìn thấy ở tôi một khả năng nào đấy. Anh giới thiệu tôi tham gia vai thứ chính trong phim Ngọn gió hồi sinh của đạo diễn Trần Vịnh".
"Từ phim đó, cánh cửa nghệ thuật mở toang ra trước mắt tôi. Nhưng sau đó, cái sự háo thắng, phổi bò của tuổi trẻ khiến tôi gặp vô số rắc rối trên hành trình nghệ thuật", Vũ Huân cho biết thêm.
Sau bộ phim ấy, Vũ Huân được các đạo diễn tín nhiệm. Anh về đầu quân cho sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, tại đây, anh chuyên trị vai phản diện. Trong thời điểm này, ngoại hình Vũ Huân bắt đầu có sự thay đổi theo hướng nam tính, mạnh mẽ và xù xì. Theo Vũ Huân, lúc đó, có một nghệ sĩ đàn anh đề nghị anh yêu đồng giới, với điều kiện tạo cơ hội để anh nổi tiếng. Giằng xé nội tâm dữ dội vì cơ hội nâng đỡ quý như vàng, nhưng sau cùng Huân từ chối.
Huân vẫn lầm lũi tìm kiếm thêm cơ hội. Cố đạo diễn Châu Huế làm phim Hướng nghiệp, bộ phim này giúp cho dàn diễn viên chính thành ngôi sao. Trong đó, Vũ Huân được giao vai phụ là tên giang hồ nghĩa khí Thịnh Bò. Ngoại hình bặm trợn, đôi mắt xếch, cùng lối diễn mạnh mẽ đã khiến vai diễn này được khán giả yêu thích đặc biệt.
Vì vậy, sang phần hai, đạo diễn Châu Huế nâng vai Thịnh Bò lên tuyến chính. Kể từ đó, Huân đắt show các vai phản diện và không dừng ở đó, anh hóa thân vào tất cả các loại tính cách. Huân có thể diễn tốt nét mẫu mực, đạo mạo của vai Tôn Đức Thắng, có thể biến thành gã nhà giàu phong lưu, dâm dê trong vai Thành đại gia trong phim bối cảnh xưa tựa đề Tân phong nữ sĩ.
Tới thời điểm này, đạo diễn có thể yên tâm giao cho Huân bất cứ thể loại vai nào. Huân có một chổ đứng vững chắc trong showbiz Việt. Nhưng Huân hiểu rằng muốn gắn bó lâu dài với nghiệp diễn, phải trở thành đạo diễn. Thế là anh thi vào khoa đạo diễn tại trường cũ mình từng học, có thời gian trống xin làm phó đạo diễn cho nhiều tiền bối thành danh.
Anh lần mò tìm đến đạo diễn Xuân Cường để được hướng dẫn bước đầu. Về sau, anh được cố đạo diễn Châu Huế dạy dỗ tận tình. Vì vậy, mãi đến bây giờ, anh vẫn coi đàn anh Quyền Linh, đạo diễn Xuân Cường và thầy Châu Huế chính là ân nhân của mình.
Ngày càng trưởng thành trong nghề, tưởng chừng con đường danh vọng sẽ hanh thông, thì Huân càng bộc lộ cá tính nghĩ sao nói vậy đến mức ngang bướng. Điều này khiến nhiều người bất bình, không hợp tác. Huân bị thất nghiệp suốt 2 năm ròng.
Anh nhớ lại: "Khi sự nghiệp ổn định, tôi lập gia đình. Có nhà và xe. Nhưng lúc đồng nghiệp tẩy chay, tôi bế tắc thật sự. Tôi phải phụ vợ việc kinh doanh, sống đắp đổi qua ngày. Thấy tình cảnh bắt đầu lâm nguy hơn, tôi đã chuẩn bị bước vào nghề lái taxi, thì may quá có người kêu đi làm. Kể từ đó, tôi bắt đầu sửa dần cái nết của mình. Bớt tranh cãi, tập lắng nghe và nhẫn nhịn".
Rồi Huân được nhà sản xuất tín nhiệm giao phim. Bộ phim đầu tiên có tựa đề Cái giá của danh vọng phát sóng trên truyền hình VTV. Ngày phim đã đóng máy, do ngủ quên khi đang chạy xe máy về nhà, anh đã đâm sầm vào cột điện, đầu đập xuống đất, máu chảy lênh láng, ngất xỉu. May mắn, chỗ anh bị tai nạn gần nhà nên vợ Huân đã kịp thời đưa đi cấp cứu.
Nhưng sự trắc trở chưa hết. Nhà đài thấy cái tên Vũ Huân còn quá mỏng trong vai trò đạo diễn nên không muốn phát sóng. Nhờ nhà đầu tư Trần Chí Minh tranh đấu nên phim đã được chiếu và thành công. Lúc này, Huân nghiệm ra cái giá của danh vọng đầy máu và nước mắt.
Anh được nhà sản xuất tin tưởng và mời vào các phim khác. Anh làm việc tận tụy và cật lực nhưng cá tính mạnh mẽ cũng tiếp tục làm khó anh. Anh dám giao vai chính cho diễn viên còn non, hoặc giao vai có tính cách khác lạ cho những ngôi sao đã định hình phong cách. Nhà sản xuất phản đối, Huân tranh luận đến cùng để bảo vệ quan điểm nghệ thuật của mình.
Hòa Hiệp vốn dĩ đã được ấn định các vai hiền lành, nhân hậu còn Lâm Minh Thắng luôn là kẻ giang hồ trên màn ảnh. Trong phim Lối thoát nghiệt ngã, Huân mời Hòa Hiệp vào vai giết người, xảo quyệt còn Minh Thắng vào vai nghĩa khí. Mặc nhiều người phản đối, Huân quyết tâm đấu tranh đến cùng. Kết quả cả Hiệp và Thắng có hai vai diễn ấn tượng và nhà sản xuất đã thưởng tiền cho tôi sau khi phim công chiếu.
Oanh Kiều là một diễn viên trẻ còn non, ấy vậy mà, Vũ Huân dám giao vai chính trong phim Cái giá của danh vọng. Bị phản đối và đàm tiếu có tình ý gì đó với Oanh Kiều, Huấn bỏ ngoài tai, nhất định giữ lập trường. Từ sau phim này, Oanh Kiều liên tiếp thành công với nhiều phim tiếp sau đó.
Không chỉ thành công trên phim truyền hình, Vũ Huân được tín nhiệm ở thể loại kịch truyền hình. Kịch 90 phút trên HTV mỗi năm dựng khoảng 10 vở vì buộc phải đầu tư sâu, Huân thường xuyên được mời dựng cho thể loại này. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia.
Giờ đây, Huân nhận thấy mình cần thử sức ở thể loại web drama. Huân hiểu rằng truyền hình có khán giả của truyền hình, phim chiếu rạp có khán giả riêng, thì web drama có những thách thức đặc thù. Không phải đạo diễn nào thành công ở điện ảnh và truyền hình thì dễ dàng chinh phục khán giả web drama. Biết là khó nhưng anh vẫn chấp nhận đối đầu với thử thách và anh có niềm tin mình sẽ thành công.