Băn khoăn đổi nguyện vọng
Theo đó, từ năm học 2022-2023, nhiều trường ĐH trên cả nước đã chính thức công bố mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí trong những năm tới. Vấn đề này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.
Đặc biệt là khi nếu so sánh với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao hơn ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ.
Thông tin này được phụ huynh và các thí sinh hết sức băn khoăn để cân nhắc lựa chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có đến gần 30 cơ sở giáo dục đại học thông báo học phí năm học 2022-2023.
Ở thời điểm này, ngoài việc cân nhắc về điểm số, sở trường, đam mê,… nỗi lo về học phí cũng là một trong những yếu tố quyết định đến xu hướng chọn trường, chọn ngành của nhiều thí sinh.
Dù đạt được kết quả khả quan trong Kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua với số điểm 27,5 khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) nhưng Nguyễn Hồng Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) vẫn chưa quyết định được nguyện vọng đăng kí.
Sơn cho biết, em đã mơ ước từ rất lâu được có tên trong danh sách trúng tuyển của ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên mức học phí của trường lại quá cao so với điều kiện cho phép của gia đình.
“Nếu xác định đăng kí vào trường thì em sẽ phải cố gắng đi làm thêm ngay từ năm nhất để phụ giúp bố mẹ. Thêm các chi phí ăn ở, sinh hoạt với mức học phí cao như hiện tại thì bố mẹ em khó mà lo được vì ngoài em, bố mẹ hiện cũng đang phải lo cho chị gái đang học năm 3 ĐH”, Sơn chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Nguyễn Thị Phương Anh (Phúc Thọ, Hà Nội) đạt 28,25 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa). Dù nguyện vọng đầu tiên của em là trường ĐH Luật Hà Nội, tuy nhiên Phương Anh đã có ý định đổi lại nguyện vọng khi học phí của ngôi trường này hơi “quá sức” với gia đình em.
“Đối với sinh viên học các chương trình đại trà là 2 triệu đồng/tháng (5 tháng/học kỳ, 40 tháng/khóa học), tương đương 572.000 đồng/tín chỉ. Còn với các chương trình chất lượng cao là 50 triệu đồng/năm học, tương đương 1.605.000 đồng/tín chỉ. Em đã tìm hiểu rất kĩ trước khi quyết định nhưng vẫn thấy thương bố mẹ vì nếu đỗ nguyện vọng 1, mức học phí này vượt quá khả năng của gia đình em”, Phương Anh cho biết.
Trao đổi thêm, Phương Anh cho hay, em đã có kế hoạch nếu trúng tuyển ĐH Luật sẽ cố gắng có được học bổng trong mỗi kì, kèm theo đó là tìm việc làm thêm từ kì 2 của năm nhất để phụ giúp bố mẹ.
Đầu tư cho giáo dục ĐH là đầu tư cho tương lai
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương khẳng định, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao chính là mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục ĐH. Việc cân nhắc học phí để người dân có con em có thể tiếp cận được với giáo dục chất lượng cao là điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, học phí của nhiều trường ĐH vốn đã rất đắt đỏ, năm học tới, rất nhiều trường còn áp dụng mức tăng học phí theo lộ trình cũng là một trong những khó khăn của các gia đình không có điều kiện kinh tế trong việc cân nhắc chọn trường cho con. Cơ hội cho con em họ được tiếp cận với các trường ĐH top đầu này sẽ có phần “yếu thế” hơn.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, khi tăng mức học phí, các trường cũng cần phải cam kết nâng cao chất lượng đào tạo.
“Cũng không thể để các trường thích tăng học phí bao nhiêu thì tăng trong khi không nâng cao được chất lượng đào tạo. Người dân chỉ có thể chấp nhận mức tăng học phí với điều kiện con em họ được học tập trong một môi trường hiện đại hơn, chất lượng tốt hơn”, chuyên gia phân tích.
Trước đó, trả lời PV Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, việc tăng học phí ĐH không có nghĩa là giảm công bằng xã hội.
Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy được nội lực, sức mạnh của hệ thống cũng như phát huy sức mạnh của các đơn vị trong trường tới các đội ngũ giảng viên để làm sao tới mục tiêu cuối cùng là thu hút được thêm nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.
Các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ cho những sinh viên nghèo thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, và việc tăng học phí mới giúp có điều kiện hỗ trợ cho những sinh viên khó khăn.
"Nếu chúng ta giữ học phí thấp sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và các trường sẽ không có điều kiện để hỗ trợ các em sinh viên nghèo. Đấy là một quan niệm chúng ta cần thay đổi. Tôi nhấn mạnh rằng đầu tư cho đại học là đầu tư cho tương lai. Vì vậy Nhà nước, gia đình và xã hội cùng phải đầu tư để chúng ta có lợi ích chung và riêng, và giúp tăng công bằng cho xã hội", Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay.