Clip: Lai Châu xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới nhờ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Bùi Văn Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết: Huyện Tân Uyên luôn xác định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt là động lực để người dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị, có sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Năm 2022, huyện Tân Uyên thực hiện hỗ trợ cho bà con theo chính sách 07, 29, nghị quyết 04, 13 của tỉnh Lai Châu về hỗ trợ chanh leo, hỗ trợ lúa thuần, ngô…
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nông dân phát triển trồng trọt, mở rộng diện tích và tăng năng suất, sản lượng trên 1 đơn vị diện tích gieo trồng. Đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở bản Tân Bắc, xã Pắc Ta hiện đang chăm sóc 1 ha chanh leo. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, vườn chanh leo của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Được biết diện tích này trước đây gia đình anh cấy lúa 1 vụ và trồng hoa màu các loại nhưng năng suất thấp, hiệu quả không cao.
Anh Hòa cho biết: "Qua tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp chính quyền, được tiếp cập mô hình trồng chanh leo, với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi mạnh dạn trở thành một trong những hộ đầu tiên ở địa phương trồng thử nghiệm chanh leo. Tôi thấy cây chanh leo khá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Gia đình tôi được hỗ trợ về giống là 100%, thuốc bảo vệ thực vật và phân vi sinh được hỗ trợ 50%".
"Đặc biệt, gia đình tôi được hỗ trợ 100% về kỹ thuật, hàng tuần đều có cán bộ kỹ thuật xuống thăm và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc cây chanh leo, do đó chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng lớn vào cây chanh leo", anh Hòa nhấn mạnh.
Song song với các nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, huyện Tân Uyên chủ động chỉ đạo khối nông nghiệp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương vận động các hộ, nhóm hộ tập trung đất đai, liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị lâu dài theo nhu cầu thị trường.
Chú trọng trong việc hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con có kinh nghiệm chăm sóc với các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, từ các nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh, huyện Tân Uyên đã triển khai và hỗ trợ cho người dân trồng được 10 ha chanh leo, 20 ha lúa mô hình; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với giống nếp 98 tại xã Trung Đồng, 2 ha khoai sọ tại xã Hố Mít, gần 1ha bí bao tử, dưa leo, cà chua và dưa lưới theo quy trình công nghệ cao nhà màng, nhà lưới tại thị trấn Tân Uyên, xã Mường Khoa và Pắc Ta.
Đến nay, diện tích trồng khoai sọ đang phát triển rất tốt; diện tích trồng chanh leo và dưa lưới đã cho thu hoạch; lúa nếp 98 cho năng suất đạt gần 40 tạ/ha.
Năm 2022, gia đình anh Tráng A Chào, bản Mít Nọi, xã Hố Mít, huyện Than Uyên mạnh dạn đăng ký trồng khoai sọ bởi gia đình có đất nhưng thiếu nước. Đến nay, cây khoai sọ đã bén rễ và phát triển tốt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Chào cho biết: "Từ khi đăng ký trồng khoai sọ, tôi nhận thấy cây khoai sọ rất phù hợp với diện tích đất của gia đình, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình tôi".
Chia sẻ thêm về hiệu quả bước đầu từ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Uyên, ông Bùi Văn Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên cho biết: Thực tế cho thấy, bước đầu các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp được triển khai trên địa bàn huyện Tân Uyên theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh Lai Châu và huyện Tân Uyên đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.