Theo UBND tỉnh Long An, trong năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh dự kiến là 33.866 tỷ đồng. Trong đó, có vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình, vốn lồng ghép, vốn tín dụng và vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp.
Hối hả xây dựng nông thôn mới
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Tân Lân (huyện Cần Đước) được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, diện mạo của xã NTMNC đã hiện hữu ở địa phương này. Trong năm 2021, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã là 27,53 tỉ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân Nguyễn Văn Anh cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là cuộc vận động cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Vì vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, hội đoàn thể cùng vào cuộc. Từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, vốn giảm nghèo, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội,... xã hỗ trợ nhiều hộ dân thực hiện các mô hình kinh tế để thoát nghèo hiệu quả.
Về xã Tân Lân ngày nay, dễ dàng cảm nhận được diện mạo của một vùng nông thôn có nhiều đổi mới. Những ngôi nhà khang trang, các tuyến đường hoa sáng, xanh, sạch, đẹp cùng với cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn xã sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Chị Lê Minh (xã Tân Lân) chia sẻ, đi trên các tuyến đường giao thông của xã được tráng nhựa phẳng lì, sạch, xanh rất phấn khởi.
Sau 6 năm triển khai, thực hiện, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đến nay, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Nguyễn Chí Thiện cho biết, để xã về đích nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới của xã hơn 110 tỉ đồng.
Đến nay, xã có 19,5km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa (đạt 100%), 22,4km đường trục ấp, liên ấp được bêtông, cứng hóa (đạt 100%), 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, hơn 70% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Hơn 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó 95% hộ sử dụng nước sạch); 85,81% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trường học được xây dựng khang trang, xã có 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiếp tục huy động vốn làm nông thôn mới
Năm 2021, toàn tỉnh Long An đã huy động được hơn 39.768 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, nhìn chung, các ngành, các cấp đã chủ động và tập trung lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Việc huy động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn dự kiến là 33.866 tỷ đồng. Mục tiêu là đưa huyện Tân Trụ và thị xã Kiến Tường được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 119 xã và nông thôn mới nâng cao lên 27 xã.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Long An sẽ huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình, như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định. Căn cứ vào dự toán Bộ Tài chính giao, hàng năm UBND tỉnh bố trí 10% dự toán thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để cho các địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng sẽ huy động đủ vốn đối ứng để thực hiện Chương trình.
Song song đó, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Tỉnh cũng tăng cường vận động các tổ chức kinh tế và người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể.