Long An: Trồng vườn sương sâm đẹp như phim, anh nông dân còn sáng chế máy vò lá trông "rất ngầu"

Chủ nhật, ngày 24/07/2022 06:08 AM (GMT+7)
Mô hình trồng sương sâm với sáng chế máy vò lá sương sâm của gia đình anh Ngô Minh Chương và chị Lê Thị Sầu Riêng tại ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) được nhiều bà con nông dân đang quan tâm.
Bình luận 0

Đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong cách làm đã góp phần giúp nhiều nông dân cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng sương sâm với máy vò sương sâm của gia đình anh Ngô Minh Chương và chị Lê Thị Sầu Riêng tại ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cũng là một trong những trường hợp như thế.

Long An: Trồng vườn sa sâm đẹp như phim, anh nông dân còn sáng chế máy vò lá sa sâm trông "rất ngầu" - Ảnh 1.

Mô hình trồng sương sâm mang góp phần nâng cao thu cho gia đình anh Chương và chị Sầu Riêng, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Cách đây 5 năm, gia đình anh Chương và chị Sầu Riêng đã tìm hiểu bắt đầu với mô hình trồng cây sương sâm. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm với giống cây trồng mới này nên anh chị chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ với sâm củ. 

Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, giống sương sâm trồng củ không phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây không đạt năng suất, chết dây, úng thân…

Không bỏ cuộc, anh chị lại tìm hiểu và trồng thử nghiệm với cách trồng khác, gieo sương sâm từ hạt giống được nhập về từ các tỉnh miền Đông.  Với cách trồng này, cây sương sâm đạt kết quả cao hơn, dây phát triển khỏe, bền. Với quan niệm trồng sương sâm  sạch, an toàn, anh Chương chăm sóc vườn sương sâm hoàn toàn bằng phân hữu cơ, diệt sâu bệnh bằng phương pháp thủ công và các bài thuốc tự chế từ rượu, ớt, gừng…

Sau 5 năm triển khai trồng, từ 200 m2 ban đầu, vợ chồng anh đã mở rộng lên 500m2, phân luống và trồng theo quy cách hàng cách hàng. 

Long An: Trồng vườn sa sâm đẹp như phim, anh nông dân còn sáng chế máy vò lá sa sâm trông "rất ngầu" - Ảnh 3.

Thu hoạch lá sương sâm

Anh Chương chia sẻ, trồng sương sâm không quá khó nhưng cần tỷ mỹ, lượng nước tưới cũng vừa phải không quá nhiều cũng không quá ít do sương sâm ưa nước nhưng không chịu úng phải có rảnh thoát nước, đất tơi xốp, thông thoáng.

Do vườn trồng hữu cơ nên cách chăm sóc cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm lá sương sâm đạt cao, thời gian thu hoạch dài, tuổi thọ cây cũng lâu hơn so với cách chăm sóc dùng thuốc tăng trưởng, thuốc hóa học. Trồng sau 8-9 tháng có thể thu hoạch lá sương sâm đợt đầu; sau đó cứ cách 3 tháng có thể thu hoạch tiếp, cuốn chiếu liên tục trong hơn 10 năm.

Năm 2016 sau khi vườn sương sâm bắt đầu thu hoạch, ổn định, anh Chương đã mạnh dạng nghiên cứu, chế tạo máy vò lá sương sâm. 

Nguyên lý được anh vận dụng từ chiếc máy giặt sau đó được cải tiến để hoàn thiện, phù hợp với lá sương sâm và nhu cầu thị trường. Sau 3 năm thử nghiệm, thay đổi chi tiết, linh kiện phù hợp, máy vò lá sương sâm của gia đình anh Chương đã cơ bản hoàn chỉnh mang lại hiệu quả cho người sử dụng, máy được thiết kế nhỏ, gọn bằng inox dễ dùng. 

Đây cũng là sản phẩm anh Chương đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo nhà nông của tỉnh Long An năm 2020.

Long An: Trồng vườn sa sâm đẹp như phim, anh nông dân còn sáng chế máy vò lá sa sâm trông "rất ngầu" - Ảnh 5.

Vò lá sương sâm bằng máy do anh Chương tự chế.

Gia đình anh Chương đã hoàn thành và bán chiếc máy vò lá sương sâm đầu tiên vào năm 2019. Sau đó mỗi năm gia đình anh Chương bán từ 15-20 máy cho những người có nhu cầu sử dụng trong và ngoài nước. Mội chiếc máy có giá từ 12-18 triệu đồng.

Lúc mới chế tạo, chiếc máy vò lá sương sâm có cấu tạo đơn giản, thiết kế chưa bắt mắt, chỉ vò lá, phải tốn công đoạn thủ công trong vắt lá sương sâm. Đối với máy hiện nay, vừa có thể thực hiện nhiều công đoạn như vò, vắt lá sương sâm.

Trong thời gian ngắn, khoảng 30 phút đã có thể hoàn chỉnh các khâu vò, vắt từ 1-1,5kg lá sương sương. Theo chị Sầu Riêng, vợ anh Chương cho biết nếu trước đây làm thủ công, thời gian, công sức bỏ ra để vò 1,5 kg lá sẽ nhiều hơn gấp đôi, gấp 3 lần vò máy và khó ra hết tinh chất của lá. Người làm thạch sương sâm cũng mất nhiều sức lao động và khá vất vả.

Hiện nay, gia đình anh Chương vừa bán nguyên liệu lá sương sâm, cây giống và sản phẩm thạch sương sâm đã được chế biến. Lá được bán với giá 150 ngàn đồng/kg. 

Sản phẩm thạch sương sâm được bán theo đơn đặt hàng, bán tại chợ, một phần được bán tại nhà. Do sản phẩm sương sâm sạch được vò bằng máy tự động, nước lọc đã qua xử lý tiệt trùng, không có chất bảo quản nên rất được người dân địa phương ưa chuộng. Mỗi ngày gia đình anh đều vò từ 1,5-2kg lá sương sâm tương đương hơn 40 kg thạch để bán cho bà con.

Có thể thấy, khi người nông dân dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm để cải tiến phương tiện lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần mang lại nhiều kết quả đáng mừng, không chỉ cải thiện được cuộc sống gia đình mà còn góp phần lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình.

Nhã Phương - Kim Thanh (Đài PTTH tỉnh Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem