Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đi nước ngoài về việc công là việc cấp có thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ, chức năng chuyên môn của cơ quan, đơn vị; nhiệm vụ chính trị của nhà nước; phục vụ lợi ích phát triển của cơ quan, đơn vị, đất nước.
Đi nước ngoài về việc riêng là việc cấp có thẩm quyền cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài vì mục đích cá nhân không liên quan đến hoạt động công vụ, nghề nghiệp, chức vụ, chức danh mà cá nhân đó đang đảm nhiệm trong cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước để: du lịch, thăm gia đình, thăm người thân, chữa bệnh,…
Tuy nhiên, Luật viên chức 2010 hiện hành không có quy định cấm viên chức đi du lịch nước ngoài, hoặc đi nước ngoài phải xin phép. Nhưng việc cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài lại có quy định nội bộ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các sở, ngành chứ không thể tùy tiện.
Vì vậy, viên chức là nghệ sĩ, cũng giống như viên chức các lĩnh vực khác, phải tuân thủ theo quy định chung trên chứ không có quy định riêng.
Theo luật sư Khuyên, tuy mỗi địa phương, mỗi sở, ngành có quy định riêng về việc cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài. Nhưng về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cử, cho phép đi nước ngoài đều giống nhau.
Đó là sau khi được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử, cho phép đi nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức nếu là đảng viên có trách nhiệm báo cáo và gửi cấp ủy chi bộ nơi đang sinh hoạt một bản sao quyết định.
Trong thời gian ở nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác, học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi ở nước ngoài, chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại.
Sau khi về nước, nếu đi theo đoàn phải gửi báo cáo cho Trưởng đoàn. Trường hợp đi riêng lẻ, báo cáo kết quả chuyến đi gửi cấp có thẩm quyền ra quyết định cử, cho phép đi nước ngoài, người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý và chi bộ nơi đang sinh hoạt đảng (nếu là đảng viên).
Nội dung, thời hạn nộp báo cáo là cơ sở để cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài lần sau.
Còn nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cử, cho phép đi nước ngoài là phải chấp hành pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia (vùng lãnh thổ) khi đi nước ngoài và phải giữ gìn hình ảnh quốc gia, hình ảnh dân tộc khi ở nước ngoài.
Luật sư Khuyên thông tin, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự ý đi nước ngoài mà không xin phép sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định chung, căn cứ Điều 7, Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có 3 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc; đối với viên chức quản lý có 3 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Như vậy đối với nghệ sỹ là viên chức, nếu đi nước ngoài không xin phép, khi về nước cơ quan chủ quản sẽ yêu cầu tường trình và đối chiếu quy định chung, quy định của cơ quan để xác định vi phạm.
Nếu vi phạm đến mức cần xử lý thì sẽ bị xử lý theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ tùy vào tính chất, mức độ của vi phạm.
Ngoài ra, vị luật sư cho biết, nếu viên chức là đảng viên tự ý đi nước ngoài không xin phép cấp ủy sẽ bị kỷ luật.
Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 26 Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ, đảng viên nếu tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức sau:
Khiển trách: Nếu gây ra hậu quả ít nghiêm trọng; Cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Đã bị kỷ luật khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng; Khai trừ: Nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo Quy định 228/QĐ-TW của Ban Bí thư, các trường hợp như tự ý đi nước ngoài không xin phép, trốn đi ra nước ngoài, đi sai mục đích so với đơn xin phép trước khi đi nước ngoài, khi về nước không báo cáo kết quả chuyến đi, xin đi nước ngoài rồi trốn ở lại không về nước đều bị coi là vi phạm quy định đảng viên.