Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật là bản báo cáo thống kê chi tiết về xu hướng tìm kiếm của người dùng Việt trên Cốc Cốc - công cụ tìm kiếm dành cho người Việt, một trong bốn sản phẩm duy nhất dành giải Vàng tại Make in Việt Nam 2021, một giải thưởng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp chủ trì. Trong nhiều năm liên tiếp, Cốc Cốc đứng thứ hai tại Việt Nam về thị phần công cụ tìm kiếm (Theo thống kê từ Decision Lab và Statcounter). Hiện nay, báo cáo này được Cốc Cốc tổng hợp, phân tích và phát hành theo quý.
Báo cáo tổng kết Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt trong Q2/2022 đưa ra 8 chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề, và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm trong 3 tháng giữa năm 2022, cụ thể là từ đầu tháng Tư tới hết tháng Sáu.
Tám chủ đề được đề cập trong báo cáo bao gồm: Du lịch và Hàng không; Thể thao; Sức khỏe; Giáo dục; Tài chính; Việc làm; Phim ảnh và Chương trình truyền hình; Thời tiết. Như vậy, những chủ đề này có sự thay đổi về nội dung và tăng 3 chủ đề so với Báo cáo tổng kết Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt trong Q1/2022. Sự thay đổi này được Cốc Cốc dựa trên nhu cầu và hành vi tìm kiếm thực tiễn của người dùng trên Internet.
Dựa trên số liệu từ báo cáo, quý 2/2022 ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của người dùng đối với chủ đề Du lịch và Hàng không. Trong đó, tổng lượng tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn, hành trang du lịch đều tăng đáng kể so với quý trước. Nguyên nhân là do nhu cầu du lịch hè của người dân tăng cao sau khi du lịch Việt Nam được hoàn toàn mở cửa trở lại từ tháng 3 năm nay.
Dẫn đầu các nhóm chủ đề có lượng tìm kiếm cao nhất chính là Du lịch và Hàng không. Tổng lượng tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn, hành trang du lịch đều tăng đáng kể so với quý trước. Điều này thể hiện rõ mối quan tâm của người dân cho nhu cầu du lịch, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa trở lại từ tháng 3 năm nay và dịch bệnh Covid-19 đã dần được đẩy lùi.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh SEA Games 31 diễn ra vào tháng 05/2022, lượng tìm kiếm liên quan đến chủ đề này đã tăng vọt, cụ thể là gấp 21 lần so với quý trước. Điều này phản ánh mối quan tâm của người dùng cũng như tầm ảnh hưởng của SEA Games 31 khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này sau 19 năm.
Theo đó, bóng đá nói chung và các trận đấu có đội tuyển bóng đá nam Việt Nam nói riêng đều dẫn đầu xu hướng tìm kiếm về bóng đá tại SEA Games 31. Bên cạnh đó, trong không khí đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt Nam liên tiếp đạt được các thành tích xuất sắc tại SEA Games 31, người dùng cũng tìm kiếm nhiều về các hoạt động ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Nổi bật là từ khóa “đi bão” với mức tăng trưởng 266%. Điều này cho thấy đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo ra sức hút hấp dẫn và nhận được sự kỳ vọng lớn từ người hâm mộ.
Sau khi dịch bệnh Covid qua đi, lượng tìm kiếm về chủ đề này cũng giảm mạnh. Một số từ khóa như "triệu chứng covid", "hậu covid", "vacxin covid" chứng kiến lượng tìm kiếm giảm tương ứng lần lượt là 88%, 52% và 49%.
Tuy nhiên, do trong quý 2/2022 có xuất hiện một số mềm bệnh dễ lây lan khác nên đã làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm tiếp sau Covid-19. Nổi bật là sự gia tăng lượng tìm kiếm về “bệnh đậu mùa khỉ”, “ba.5” (một biến thể của Covid-19) và bệnh noma.
Tương tự với Covid, quý 2/2022 cũng chứng kiến một xu hướng tìm kiếm đáng chú ý về các biến động của thị trường tài chính Việt. Do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán ảm đạm, chỉ số VN-Index tụt dốc và Bitcoin trượt giá, lượng tìm kiếm về cổ phiếu, trái phiếu, crypto đều giảm mạnh so với quý trước.
Sau thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, các rạp phim đã mở cửa đón khách trở lại trong quý này. So với 3 tháng đầu năm, lượng tìm kiếm về “phim chiếu rạp 2022” đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 426%. Đặc biệt, lượng tìm kiếm theo cú pháp “lịch chiếu phim (rạp)” tăng trưởng ở mức 69%.
Như vậy, xu hướng tìm kiếm của người dùng trong Q2/2022 có sự thay đổi rõ rệt so với quý trước, thể hiện đúng các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong 8 lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo nên bức tranh toàn cảnh về nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của người dùng Việt trên không gian mạng.