Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tuyến đường Lê Duẩn được xác định đóng vai trò trục xuyên tâm kết nối trung tâm TP.Phan Thiết với Quốc lộ 1, ga đường sắt, bến xe liên tỉnh…nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong phục vụ phát triển du lịch.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, quy mô đầu tư, công trình đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng), với điểm đầu tuyến tại vị trí giao nhau giữa đường Lê Hồng Phong và đường Lê Duẩn, điểm cuối tuyến tại vị trí Tượng đài Chiến Thắng (giáp đường Trần Hưng Đạo). Từ đây nối và đường Thủ Khoa Huân- Võ Văn Kiệt – Hùng Vương ra Khu du lịch Quốc gia Mũi Né.
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận, vòng xoay bao quanh khu vực Tượng đài Chiến Thắng có bán kính gần 50m, chiều rộng mặt đường 17 m và chiều rộng vỉa hè mỗi bên 6 m… Hai bên lề đường được lát đá hoa cương, lề đường rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách lưu thông…
Dự án đường Lê Duẩn, TP.Phan Thiết được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 14/4/2009 với chiều dài toàn tuyến khoảng 2.918m, điểm đầu là ga Phan Thiết mới, điểm cuối là nút giao thông vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đang xây dựng nhiều chương trình và hành động đưa KDL Quốc gia Mũi Né nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung, sẽ trở thành thiên đường du lịch tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tỉnh Bình Thuận cũng đặt mục tiêu để Mũi Né phát triển theo bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, đặc biệt là thắng cảnh Mũi Né, Bàu Trắng, Bàu Sen và các đồi cát ven biển, cùng phát triển hài hòa giữa du lịch với khai thác nông, lâm, ngư nghiệp và năng lượng.
Những ngày đầu tháng 8/2022, chúng tôi có cuộc khảo sát trên tuyến đường Lê Duẩn và ghi nhận nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng mới khang trang để phục vụ khách du lịch.
Về đêm, hàng quán hai bên đường rất nhộn nhịp, khách ra vào thường xuyên để thưởng thức hải sản.
Anh Bùi Thành, nhà ở quận Gò Vấp cho biết, lần nào đi Phan Thiết anh cũng ghé ăn hải sản ở một quán quen, thân trên đường Lê Duẩn. “Hải sản ở đây tươi ngon, giá cả hợp lý so với túi tiền những người thu nhập trung bình khá như gia đình chúng tôi…”, anh Thành chia sẻ.
Về chiều, chúng tôi gặp cụ Huỳnh Thị B.( gần 80 tuổi) đang cùng con cháu đi bộ xung quanh Tượng đài Chiến Thắng. Cụ B. cho biết, mấy năm nay, từ ngày có vòng xoay và con đường Lê Duẩn này, chiều nào cụ cũng cùng con cháu ra đây đi bộ, tập thể dục, thư giãn.
“TP.Phan Thiết mình giờ có Tượng đài Chiến Thắng, có lề đường lát đá hoa cương này đẹp quá, ngày nào tôi cũng dạo tới, dạo lui ngắm phố phường, ngắm du khách đi chơi mà không biết chán. Thấy phố phường đẹp thế này tôi vui lắm cậu ạ…”, Cụ B. bày tỏ.
Một trong những tuyến đường huyết mạch góp phần làm nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận là đường Võ Nguyên Giáp. Tuyến đường này nằm cách trung tâm TP.Phan Thiết hơn 20km về hướng đông bắc, Mũi Né.
Đường Võ Nguyên Giáp khởi đầu tại vòng xoay Nguyễn Thông, giáp với đường tỉnh 706 thuộc phường Phú Hài và kết thúc tại vòng xoay Nguyễn Hữu Thọ, giáp với đường tỉnh 716 thuộc phường Mũi Né.
Dân địa phương thường gọi là là tuyến đường ven biển vì cung đường này đưa du khách từ TP.Phan Thiết ra Mũi Né và sau đó là kết nối và tuyến đường xuyên qua các đối cát bay Hòa Thắng- Hòa Phú.
Một ngày đầu tháng 8/2022, chúng tôi lái ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp và ghi nhận nhiều công trình kiến trúc mới được xây dựng 2 bên đường. Trong đó có Trường Đại học Phan Thiết, Lâu đài Rượu vang, Bảo tàng nước mắm, Điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng, Làng chài Phú Hài…Và phóng tầm mắt xa xa chúng tôi đã thấy toàn cảnh bãi biển Mũi Né rất thơ mộng…
Trước đó, tuyến đường này chỉ 6m, nhưng mật độ phương tiện và người tham gia giao thông hỗn hợp rất lớn, nhất là các dịp lễ, tết và những ngày cuối tuần du khách từ khắp nơi đổ về khá đông nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông…
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông qua dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến từ trung tâm TP. Phan Thiết đến khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đường Võ Nguyên Giáp cũng là tuyến đường chính kết nối sân bay Phan Thiết với trung tâm tỉnh Bình Thuận. Toàn tuyến có dải phân cách và dải an toàn ở giữa rộng 1m, vỉa hè được lát gạch rộng rãi 2 bên, cùng với hệ thống thoát nước và chiếu sáng theo tiêu chuẩn…
Theo nhận định của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, dự kiến đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đón khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030, nơi đây đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt.
Du lịch Bình Thuận dự sự kiện liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam
Từ ngày 8 - 9/8, tỉnh Bình Thuận đã tham gia sự kiện Liên kết - Sức mạnh du lịch Việt Nam diễn ra tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), Việc này nhằm thúc đẩy sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
Hoạt động do Hiệp hội Du lịch TP.HCM phố hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm liên kết (giữa các địa phương, liên kết vùng) đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước sau đại dịch. Sự kiện Liên kết - Sức mạnh du lịch Việt Nam có sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành du lịch.
Nằm trong chương trình Liên kết - Sức mạnh du lịch Việt Nam còn có 2 hoạt động quy mô quốc gia là Diễn đàn Lữ hành toàn quốc năm 2022 chủ đề “Sản phẩm mới - Thị trường mới” và Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho các khách sạn cao cấp trong giai đoạn mới”.
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận cùng với Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch Bình Thuận giới thiệu hệ thống lưu trú (khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng), các cơ sở dịch vụ du lịch (cung cấp quà tặng, sản vật địa phương, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, ẩm thực…). Bên cạnh đó là các thị trường du lịch truyền thống , các thị trường mới, vừa có cơ hội kết nối giao thương, gặp gỡ, trao đổi, đàm phán, ký kết hợp tác với các hãng lữ hành lớn trong nước và quốc tế đưa khách đến với điểm đến Phan Thiết - Bình Thuận trong thời gian tới.
Hơn nửa triệu du khách đến Bình Thuận trong tháng 7/2022
Ngày 9/8, trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tháng 7/2022, lượng khách du lịch nội địa đến tỉnh tăng so với tháng trước.
Cụ thể, có khoảng 515.765 lượt khách, tăng 24 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 922 tỷ, tăng 13 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 2.909.254 lượt khách, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế khoảng 30.338 lượt tăng 49,3% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 5.417 tỷ, tăng 38,6% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Nhân, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn du khách, giá cả dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh trong các ngày nghỉ cuối tuần cơ bản được bảo đảm.