Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 08/08/2022 16:37 PM (GMT+7)
Một trong những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận là tuyến đường ven biển đoạn Hòa Thắng – Hòa Phú . Tuyến đường này đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016, với tổng chiều dài 23 km và hiện là "cung đường vàng thiên đường sống ảo" của giới trẻ và khách du lịch.
Bình luận 0

Tuyến đường hoa vàng và thiên đường sống ảo

Tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú băng qua những đồi cát bay, kết nối vào những điểm du lịch của huyện Bắc Bình và Tuy Phong của tỉnh Bình Thuận.

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1.

Cung đường Hòa Thắng – Hòa Phú xuyên qua sa mạc cát hiện là "thiên đường sống ảo" hót nhất nhì khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: Bùi Phụ

Có thể nói, hai bên đường ven biển Mũi Né - Hòa Thắng - Hòa Phú là những đồi cát có màu trắng - vàng - hồng - đỏ của tỉnh Bình Thuận hiện là nơi "sống ảo" hot nhất các tỉnh Nam Trung Bộ. Dân du lịch phượt, gọi đây là "cung đường vàng thiên đường sống ảo" bậc nhất hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường Hòa Thắng - Hòa Phú có điểm đầu tại ngã ba Hồng Thắng (xã Hòa Thắng, Bắc Bình), điểm cuối tại chân cầu Sông Lũy (xã Hòa Phú, Tuy Phong). Nền đường rộng từ 45,5 - 50m; trong đó bề rộng mặt đường 24m (gồm 2 làn đường rộng 12m/làn, ở giữa dải phân cách rộng). Tuyến đường này ngoài mục tiêu phục vụ kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển còn là điều kiện thuận lợi để củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.

Những tháng sau Tết Âm lịch hàng năm, hai bên đường là những cánh rừng tràm nở rộ, hoa vàng tô điểm thêm nét đẹp của cung đường Hòa Thắng – Hòa Phú.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia du lịch lữ hành, từ ngày tỉnh Bình Thuận đưa vào sử dụng tuyến đường đường Hòa Thắng - Hòa Phú, kết nối với cung đường ven biển từ Hàm Tân - Lagi - Hàm Thuận Nam - Phan Thiết - Bắc Bình - Tuy Phong dài hơn 200km, du khách đến các điểm du lịch của Bình Thuận ngày càng đông hơn.

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2.

Những chiếc xe buýt cũ được người dân tân trang thành những quán nước di động phục vụ du khách truyên đường Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: Bùi Phụ.

Những ngày đầu tháng 8/2022, chúng tôi có dịp lái ô tô khám phá cung đường Hòa Thắng - Hòa Phú. Thật khó nói hết cảm xúc lâng lâng khi ô tô chúng tôi chạy xuyên qua những đồi cát nhấp nhô, xuyên qua những đồi cát trùng trùng điệp điệp… Có những đoạn đường, xe phải chạy sát bờ biển hoặc có những lúc xe chạy vượt trên đỉnh đồi cát cao chơi vơi. Hai bên đường, chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh rất dễ thương khi chứng kiến cảnh nhiều đôi trẻ hôn nhau giữa đồi cát đầy nắng gió. Đặc biệt là ekip chụp hình, quay cảnh những đôi uyên ương chuẩn bị đến ngày cưới.

Thỉnh thoảng chúng bắt gặp những chiếc xe buýt bị "xẹp bánh" nằm ven đồi cát, có người trong xe đưa bàn tay vẫy chào du khách. Thì ra đây là những tiệm nước di động, mà người dân địa phương tận dụng những chiếc xe buýt "hết đát", tân trang thành quán nước di động phục vụ cà phê, dừa nước, bánh trái cho khách du lịch…

Chính những hình ảnh "dân giã" này đã tô điểm cho cùng đường xuyên đồi cát này thêm phần hấp dẫn…

Say đắm đồi cát bay Bàu Trắng

Anh Bùi Thành Quân, du khách ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, suốt hơn năm năm qua, năm nào nhóm bạn của anh gần 10 gia đình cũng lái ô tô chở vợ con ra Bình Thuận chơi và chụp hình tại "cung đường vàng và thiên đường sống ảo". Năm nào cũng ở lại 3 ngày 2 đêm ăn uống thỏa thuê mới về.

"Ở đây khí hậu mát mẻ, sáng tắm biển, chiều cưỡi môtô chở vợ con dạo chơi lên đồi cát, tối về ăn hải sản thì tuyệt không gì bằng...", Anh Bùi Thành Quân nói.

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 4.

Du khách tham quan đồi cát bay Bàu Trắng. Ảnh: CTV

Theo khát sát của chúng tôi, nhiều công ty lữ hành du lịch thường đưa khách từ TP.HCM ra Bình Thuận nghỉ mát đều có chúng nhận định, tuyến đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú đã tạo cho du khách một cảm giác rất lạ. Chính những đồi cát trùng trùng điệp điệp và những cánh đồng quạt gió khổng lồ nơi đây đã tạo cho du khách đến tham quan cứ ngỡ như mình lạc vào thế giới khác mà lâu nay thường thấy trong các tác phẩm điện ảnh "bom tấn"…  

Là một trong những người đầu tiên phát triển du lịch trên đồi cát Bàu Trắng từ những ngày đầu, ông Nguyễn Thành Khoa- Phó Giám đốc Công ty TNHH Triều Trang (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cho biết, trên đồi cát có sự kỳ lạ mà khó lý giải được. Trời nắng cao độ đi nữa nhưng đi chân trần trên đồi cát vẫn mát.

Thấy tôi thắc mắc, ông Khoa nắm tay tôi kéo chạy bộ lên đỉnh đồi. Thật bất ngờ, cát không nóng mà trái lại cảm giác hai bàn chân tôi dịu mát. Trong khi đó, nếu đi chân không vào giờ này ở con đường cát bên ngoài nóng muốn bỏng da chân... Ông Khoa cũng đưa chúng tôi dạo một vòng bằng môtô địa hình chạy khắp đồi cát để có cảm giác viết bài.

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 5.

Du khách tham quan đồi cát bay Bàu Trắng. Ảnh: CTV

Ông Khoa thổ lộ, hơn 30 năm trước, gia đình ông đến vùng này lập nghiệp, xin và thuê đất của Nhà nước trồng rừng theo chương trình phủ xanh đồi trọc của các cơ quan trung ương.

Những ngày đầu mới đặt chân lên vùng này, nhìn cảnh cát bay mù trời, giao thông đi lại khó khăn, đã nhiều lần ông Khoa định bỏ cuộc. Nhưng từ khi ông phát hiện ra sự lạ kỳ như nắng nóng như đổ lửa thì cát lại mát, đỉnh đồi di động theo từng cơn gió..., ông quyết định bám trụ.

Trong một lần xem tivi thấy các nước Trung Đông và châu Phi khai thác du lịch bằng ô tô địa hình trên những sa mạc cát, ông Khoa ấp ủ giấc mơ đưa mô hình này về đồi cát Bàu Trắng.

Khoảng đầu năm 2003, ông Khoa xuất ngoại sang Trung Quốc và các nước Trung Đông. Hơn cả tháng trời học hỏi ở xứ người, ông Khoa đã mua về những chiếc môtô địa hình cũ kỹ. Suốt gần cả năm trời tân trang lại và chạy thử lên đồi cát thành công, ông Khoa vận động anh em trong gia đình góp vốn đầu tư, làm thủ tục xin phép chuyển thành điểm du lịch.

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 6.

ông Nguyễn Thành Khoa- Phó Giám đốc Công ty TNHH Triều Trang đưa khách tham quan đồi cát bay Bàu Trắng. Ảnh: Bùi Phụ

Khoảng năm 2008, ông Khoa chính thức đưa môtô địa hình chạy lên đồi cát vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, do đường giao thông đi lại chưa thuận tiện nên mô hình cưỡi môtô dạo chơi trên đồi cát bay của ông Khoa dù độc đáo nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng!

Mãi đến Tết Bính Thân - 2016, tỉnh Bình Thuận khánh thành tuyến đường Hòa Thắng - Hòa Phú xuyên qua những sa mạc cát nhấp nhô, dài hơn 23km với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, khu du lịch Thiều Trang mới đông khách. Hiện tại nhiều doanh nghiệp khác cũng kinh doanh xe địa hình như ông Khoa xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực đồi cát Bàu Trắng. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động hấp dẫn trên cát như: Trượt cát, chinh phục cồn cát, cưỡi đà điểu qua sa mạc...

Những tuyến đường góp phần tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 7.

Tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú băng qua những đồi cát bay. Ảnh: Bùi Phụ

Đời sống người dân khá lên

Theo UBND xã Hòa Thắng (Bắc Bình), từ ngày tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú đưa vào hoạt động, khổng chỉ làm thay đổi diện mạo một vùng đất, mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân trong xã. Từ năm 2017 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đều tăng, hiện đang ở mức 46,5 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, những dự án điện gió hình thành đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương rất lớn, trong đó có 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động là Thuận Nhiên Phong và Thái Hòa. Từ chỗ dựa vào nông nghiệp thuần túy thì nay người dân biết làm du lịch, kinh doanh, buôn bán, phát triển đa dạng ngành nghề. Sự chuyển dịch này theo đúng chủ trương của Nghị quyết Đảng bộ huyện, xã đề ra.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem