Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cho biết như thế tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội tháng 7/2022 của Bình Dương ngày 10/8 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.
Theo Sở GDĐT tỉnh Bình Dương, năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã nỗ lực khắc phục rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tại địa phương để hoàn thành nhiệm vụ.
Một trong những kết quả nổi bật mới đây là tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT đạt 99,98%. Điểm trung bình chung các môn thi là 7,021 điểm; xếp hạng 3/63 tỉnh, thành. Điểm trung bình của 7/9 môn thi được xếp hạng trong top 10 trên cả nước.
Tuy nhiên, những nhiệm vụ hoàn thành không thể che giấu hết những khó khăn mà ngành giáo dục Bình Dương đã và đang đối diện. Trong đó, có tình trạng giáo viên nghỉ việc và thiếu giáo viên nghiêm trọng.
Sở GDĐT Bình Dương cho biết, năm học 2021-2022, tỉnh đã triển khai thực hiện hợp đồng ngắn hạn giáo viên và nhân viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế, đáp ứng kịp thời công tác giảng dạy ở các cấp học.
Tuy nhiên, cấp học mầm non, tiểu học vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với định mức giáo viên quy định.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương cho biết, viên chức giáo viên mới được tuyển dụng có hệ số lương 2,34.
Nếu nhân hệ số này với mức lương cơ bản 1.490.000 đồng/tháng thì chưa được tới 3,5 triệu đồng, còn thấp hơn lương công nhân.
Mức lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều. Và thấp hơn lương của nhân viên, người lao động mới hợp đồng (vì họ được hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng).
"Đó cũng là nguyên nhân giáo viên nghỉ việc nhiều. Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc", ông Phong nói.
Đại diện Sở GDĐT Bình Dương phân tích, việc tuyển dụng giáo viên không đủ chỉ tiêu năm học 2021-2022 (504 viên chức/1.002 chỉ tiêu, đạt 50,29%) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên của ngành.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành là 20.044 người.
Dự kiến năm học 2022-2023, Bình Dương thiếu 3.102 giáo viên (trong đó mầm non thiếu 465 giáo viên; tiểu học thiếu 1.207 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 1.305 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 118 giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh thiếu 7 giáo viên) và 538 viên chức khác.
Giải đáp thắc mắc của PV báo Dân Việt về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên diễn ra suốt nhiều năm qua, ông Phong cho biết, ngành đang triển khai nhiều giải pháp.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương ngành GDĐT tuyển dụng viên chức, với 154 chỉ tiêu.
Trên cơ sở tham mưu của Sở GDĐT sau khi tuyển dụng, UBND tỉnh xem xét tiếp tục cho chủ trương các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng.
Và tiếp tục xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy, nhưng có gốc đào tạo sư phạm được chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn.
Về dài hạn, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2025.
"Theo đó, có 2.094 người cần nâng trình độ chuẩn được đào tạo từ nay đến năm 2025. Trong đó năm 2021, đào tạo 307 giáo viên nâng trình độ chuẩn", ông Phong thông tin.
Đồng thời, đại diện ngành GDĐT Bình Dương cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, giao thêm biên chế cho ngành GDĐT tỉnh theo định mức. Việc này nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp" theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.