Bình Dương giải quyết gánh nặng tăng mức thu học phí bằng chính sách đặc thù
Bình Dương không chấp nhận việc học sinh bỏ học chỉ vì lý do không có tiền
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 16/06/2022 17:14 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xung quanh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí, trước khi trình HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa tháng 7 sắp tới.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 16/6, nội dung tờ trình dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các sở ngành.
Ủng hộ việc không tăng mức thu học phí
Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đồng thời nhằm giảm bớt áp lực cho người dân về việc tăng mức thu học phí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Nếu Chính phủ có văn bản quy định không tăng học phí thì vẫn trình để ban hành Nghị quyết, đồng thời giữ nguyên mức học phí như năm học vừa qua.
Phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ngọc Thanh
Phương án 2: Đến kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương vào giữa tháng 7/2022 mà vẫn chưa có văn bản bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng mức thu học phí thì vẫn ban hành Nghị quyết theo Nghị định 81 của Chính Phủ.
Tuy nhiên, Nghị quyết phải có thêm điều khoản giữ nguyên mức học phí như năm vừa rồi. Giải pháp đưa ra lúc này là ngân sách Nhà nước phải cấp bù cho các trường.
Hiện nay, học phí với trường mầm non là 180.000 đồng/tháng đối với trường chuẩn; 90.000 đồng/tháng cho trường học chưa đạt chuẩn. Đối với bậc trung học cơ sở là 60.000 đồng/tháng, trung học phổ thông là 80.000 đồng/tháng.
Ông Hà Văn Út - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương bày tỏ quan điểm ủng hộ việc không tăng mức thu học phí. Bởi vì, đời sống của người dân còn chịu ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19.
"Nếu mức thu học phí tăng quá cao sẽ tác động đến một bộ phận người dân, nhất là những lao động có thu nhập thấp", ông Út nói.
Thế nhưng, sau khi trình Nghị quyết lên HĐND thì ngân sách có bị tác động hay không? Ông Út cho biết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách giao dự toán dựa trên nguồn thu và nhiệm vụ chi.
Nguồn thu khi xây dựng dự toán sẽ dựa trên mức học phí của năm trước đó. Trên cơ sở đó, thiếu hụt bao nhiêu thì ngân sách sẽ bù vào.
"Còn nếu tăng thu mức thu học phí thì Sở Tài chính phải điều chỉnh tăng. Ngành giáo dục cần tính toán kỹ", ông Út đề nghị.
Giải quyết gánh nặng tăng mức thu học phí bằng chính sách đặc thù
Ông Trần Đức Tài – Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, việc tăng mức thu học phí thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân Bình Dương suốt thời gian qua.
Ở góc độ cá nhân, ông Tài gợi ý UBND tỉnh xem xét kỹ ở các góc độ khác nhau. Việc tăng học phí là do Chính phủ quy định, Bình Dương không thể không thực hiện theo.
Tuy nhiên, để giảm bớt áp lực cho người dân, ngân sách Nhà nước sẽ tìm biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách đặc thù của tỉnh.
Theo hướng này, Bình Dương vẫn phải ban hành Nghị quyết về mức thu học phí (theo NĐ 81). Sau đó, Bình Dương sẽ ban hành thêm một nghị quyết riêng mang tính đặc thù để hỗ trợ chi phí học tập. "Tuy nhiên khi đó, có 2 Nghị quyết cùng tồn tại song song. Đây là vấn đề không thể", ông Tài nói.
Qua xem xét, đại biểu HĐNĐ tỉnh gợi ý UBND tỉnh đưa thêm nội dung vào trong Nghị quyết.
Theo ông Tài, đã có thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý về chủ trương sẽ không tăng mức thu học phí. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có văn bản chỉ đạo chính thức.
Nếu lấn cấn việc Nghị quyết đã thông qua HĐND tỉnh nhưng Chính phủ thay đổi chính sách ban hành thì nội dung Nghị quyết phải lường trước luôn trường hợp này.
Ví dụ, nếu Nghị quyết đồng ý tăng mức thu học phí nhưng Chính phủ không tăng thì Nghị quyết phải có thêm nội dung: Trường hợp Chính phủ ban hành quy định dừng việc tăng học phí thì chiếu theo điều khoản trước đó của Nghị quyết là áp dụng mức học phí cũ.
"Khi đó, lãnh đạo tỉnh sẽ không cần phải tốn thời gian họp hành, cho ý kiến lại lần nữa, mà vẫn kịp lộ trình đón năm học mới (dự kiến vào tháng 8 tới đây)", ông Tài phân tích.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND, của các sở ngành, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kỹ thuật xây dựng văn bản để kịp trình thông qua, chuẩn bị cho năm học mới.
Tuy nhiên, ngành giáo dục phải rà soát lại chính xác số học sinh toàn tỉnh hiện nay. Theo ông Minh, trên tinh thần chung, Bình Dương sẽ không tăng thêm mức thu học phí mà sử dụng các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách.
"Bình Dương không phải không có tiền để cho các cháu học sinh đi học. Bình Dương không chấp nhận việc học sinh bỏ học chỉ vì lý do không có tiền", Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.