Ông Bùi Văn Đèo (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) là một trong những gương điển hình hiến đất làm đường nông thôn mới của TP.HCM. Ông chia sẻ, quyết định hiến đất là điều không dễ dàng đối với gia đình ông, bởi đó là tài sản quý giá, đất hương hỏa mà ông bà để lại cho con cháu giữ gìn.
Nhưng để thực hiện các công trình phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng, ông đã động viên gia đình hiến 1.350m² đất để làm các con đường nông thôn mới ở địa phương, như: Đường Võ Thị Bàn, Cánh Đồng Mua, Cánh đồng Dược và tuyến kênh Thai Thai.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thu (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đã hiến 1.000m2 đất để thực hiện công trình đường bờ bắc Kênh A, đường bờ bắc Kênh 11 khu A, đường bờ nam khu A Kênh 9 ở địa phương mình.
Không chỉ hiến đất, ông Thu còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 7 phương tiện sinh kế cho hội viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức trao 3 xe nước mía, 4 máy may công nghiệp; Câu lạc bộ nuôi heo đất tiết kiệm trao vốn không lãi suất cho 2 hộ nông dân nghèo.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP.HCM, từ khi thực hiện chương trình, qua phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" tại 5 huyện ngoại thành, đến nay TP đã huy động được 33.848 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích 3.169.978 m2, ước kinh phí gần 2.320 tỷ đồng. Huy động cộng đồng cùng chung sức xây dựng 2.290 tuyến hẻm, tổng chiều dài 339,1km với tổng kinh phí hơn 901 tỷ đồng.
Không chỉ người dân, phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" còn được lan tỏa mạnh mẽ trong các thành phần kinh tế - xã hội TP.HCM.
Trong tháng 7 và 8 vừa qua, các huyện Đoàn TP.HCM đã đồng loạt tổ chức ra quân chiến dịch "Chiến sĩ tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới" ở các huyện như Củ Chi, Cần Giờ, trong khuôn khổ các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè năm 2022.
Các hoạt động chủ yếu là: Khám chữa bệnh hậu Covid-19, tổ chức khám bệnh, phát thuốc, trao tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khó khăn trên địa bàn và tư vấn các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế hộ gia đình và học sinh - sinh viên; Chương trình "Hãy làm sạch biển" tại Công viên Thị trấn Cần Thạnh. Đồng thời, tổ chức sân chơi, trao tặng học bổng cho các em thiếu nhi; khánh thành 2 công trình sân chơi thiếu nhi tại, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, thực hiện lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời.
Cùng với các "tình nguyện áo xanh", tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh). Trung đoàn Gia Định - Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch "Hành quân xanh năm 2022". Trung đoàn Gia Định phối hợp thực hiện các nội dung, như: Làm công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm trong thực hiện phong trào thi đua "Lực lượng vũ trang thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới", hỗ trợ trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ chăm lo cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thực hiện cải tạo các tuyến kênh, tu sửa đường giao thông nông thôn...
Bên cạnh đó, 48 đơn vị (bao gồm: 19 quận, 11 Tổng Công ty, 14 Đảng ủy cấp trên cơ sở và 04 Đảng ủy lực lượng võ trang TP.HCM) đã thỏa thuận ký kết hỗ trợ 5 huyện xây dựng nông thôn mới, theo Thông báo số 316-TB/TU ngày 07 tháng 12 năm 2016 về tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới, là 81,215 tỷ đồng.
Các đơn vị này thực hiện các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, sản xuất, hoạt động văn hóa, hỗ trợ vật tư làm đường giao thông đối với các tuyến đường có quy mô nhỏ hơn 500m. Đến nay, các huyện đã tiếp nhận kinh phí hỗ trợ là 41,151 tỷ đồng. Trong giai đoạn này tổng kinh phí các đơn vị ngoài các đơn vị ký kết đã hỗ trợ hơn 61,715 tỷ đồng.