Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay có khoảng 5.000 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch. Nghề chèo đò tuy vất vả, cực nhọc…nhưng bù lại có thu nhập.
Clip các bến thuyền tại khu du lịch ở Ninh Bình nhộn nhịp trở lại sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, tại khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, khu du lịch đầm Vân Long,...Hầu hết những người chèo đò đều là phụ nữ trung niên, chỉ một số ít là nam giới.
Được biết, tại khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), mỗi chuyến đò phục vụ khách du lịch tham quan cả đi lẫn về kéo dài trung bình khoảng 3 giờ đồng hồ.
Đó cũng là thời gian người chèo đò phải chèo liên tục. Mỗi chuyến, người chèo đò được trả công 200.000 đồng, bình quân mỗi tháng thu nhập của những người chèo đò ở đây cũng đạt khoảng 5-6 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyến (57 tuổi) chèo đò phục vụ khách du lịch tại khu du lịch sinh thái Tràng An bộc bạch: "Một chuyến chúng tôi thường chở 5 người đối với khách trong nước và 4 người đối với khách nước ngoài. Không phải cứ gặp khách là chở mà phải lần lượt theo thứ tự".
"Nhiều đoạn sông thẳng, nước lớn thì chèo đò đỡ mệt hơn, vất vả nhất là khi đi qua những hang tối và nhỏ. Lối đi chỉ vẻn vẹn vừa 1 chiếc đò khiến người chèo đò phải căng mình điều khiển", bà Nguyễn Thị Nương, lái đò tại khu du lịch sinh thái Tràng An tâm sự.
Ông Vũ Văn Quang (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) là một trong ít nam giới chèo đò phục vụ khách du lịch tham quan nói: "Công việc hàng ngày của chúng tôi là đón du khách lên thuyền, hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí, mặc áo phao rồi bắt đầu khua mái chèo đưa khách khám phá Tràng An".
Được biết, những người chèo đò đưa khách đi tham quan ở các điểm, khu du lịch ở Ninh Bình còn đóng vai trò như một hướng dẫn viên, quảng bá, giới thiệu tới du khách về cảnh đẹp và con người Ninh Bình trong hành trình khám phá.
Qua tìm hiểu, trước khi hành nghề chèo đò đưa khách đi tham quan, những người chèo đò đều đã tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Các lớp học này do Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Ngoài ra, những người chèo đò ở Ninh Bình được học về an toàn giao thông đường thủy, các kỹ năng đón tiếp khách, giao tiếp và ứng xử trong quá trình phục vụ. Sau khi hoàn thành chương trình tập huấn, được Sở Du lịch Ninh Bình cấp giấy chứng nhận và bắt đầu công việc.
Từ kiến thức đã học, người lao động áp dụng vào thực tiễn, tạo môi trường du lịch văn minh, văn hóa, an toàn cho khu du lịch, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
"Trong tháng 7 năm 2022, toàn tỉnh ước đón gần 364 nghìn lượt khách tham quan, đạt 625,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa đón gần 358 nghìn lượt khách, đạt 618,5%; khách quốc tế đón gần 6 nghìn lượt khách, đạt 1.772,4%. Doanh thu ước đạt gần 301 tỷ đồng, đạt 892% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh ước đón hơn 2,163 triệu lượt khách, đạt 233,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đón gần 2,139 triệu lượt khách, khách quốc tế hơn 24 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt gần 1,448 tỷ đồng, đạt 244,4% so với cùng kỳ năm 2021", ông Bùi Văn Mạnh-Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết.