Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) trả lời về nguyên nhân, giải pháp đẩy nhanh gói hỗ trợ thuê nhà cho lao động. VD: Nguyệt Tạ
Thủ tướng đã phải ra tới 4 công văn đốc thúc Bộ, ngành đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân, lao động, nhưng theo Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy hết ngày 11/8 cả nước mới thực hiện giải ngân cho khoảng hơn 1 triệu lao động.
Cụ thể, số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được: 56.351 doanh nghiệp với 2.844.944 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883,8 tỷ đồng (tương đương với 29,03 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).
Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ: 29.399 doanh nghiệp, 1.927.252 lao động với kinh phí hơn 1.233,8 tỷ đồng (tương đương với 65,5 % so với số kinh phí đề nghị).
Số hồ sơ đã được giải ngân: 16.436 doanh nghiệp với 1.004.472 lao động, hơn 728,5 tỷ đồng (đạt 11,23% so với dự kiến).
Phát biểu trước buổi Hội nghị giao ban toàn quốc đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ- TTg Trực tuyến với các địa phương (sáng mai 12/8), ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng cần làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong việc hỗ trợ thuê nhà. Đồng thời quyết tâm về đích trong hỗ trợ thuê nhà trọ cuối tháng 8.
Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh tới sự thiết thực của đề án hỗ trợ, ông Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế, tốc độ triển khai chậm so với yêu cầu.
"Theo khảo sát lương của lao động làm dệt may chỉ khoảng 6,8 triệu đồng. Như vậy, mức hỗ trợ thuê nhà trọ chiếm từ 10- 18% thu nhập/tháng của họ. Số tiền ít nhưng giá trị tinh thần rất cao", ông Dung nói.
Chỉnh bởi vậy, ông Dung cho rằng các địa phương, tổ chức cần quyết tâm thực hiện gói hỗ trợ. "Ngày 15/8 này là ngày hết hạn nộp hồ sơ, nhưng phải kết thúc hỗ trợ vào ngày 30/8. Không phải vì băn khoăn vì không chắc chắn mà ‘cố tình’ để người lao động không được nhận", Bộ trưởng nhấn mạnh.
BHXH đã xác nhận 46.480 đơn vị với 3.661.045 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp thuộc 60 tỉnh thành phố nhận hỗ trợ. Trong đó có 3.657.615 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà và 3.430 lao động không tham gia BHXH bắt buộc, nhưng thuê trọ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
BHXH cũng xác nhận cho 13.847 đơn vị với 252.727 lao động tại 51 tỉnh thành phố trong cả nước vừa quay trở lại thị trường lao động. Trong đó có 246.479 lao động có tham gia BHXH bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, 6.248 lao động không tham gia BHXH bắt buộc/mới được tuyển dụng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg cho thấy, tính đến ngày 11/8 đã có 60/63 tỉnh có báo cáo về tình hình doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ. Trong đó, có 3 tỉnh không có đối tượng: Lai Châu và Điện Biên; Cao Bằng.
Do một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế nên tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỉ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không còn quá chậm. Có thể kể đến như: Đồng Nai, Hải Dương, Đắk Nông,…
Tính đến ngày 11/8, cả nước mới có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Ngoài 4 địa phương chưa có thực hiện giải ngân nêu trên thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang giải ngân chiếm 0,08% so với dự kiến; Hải Phòng giải ngân chiếm 0,2% so với dự kiến. Kiên Giang giải ngân chiếm 0,23% so với dự kiến; Bình Định giải ngân chiếm 0,47%.
Rất nhiều tỉnh tỉ lệ giải ngân mới đạt trên dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá… Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…
Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí và có tốc độ giải ngân hỗ trợ thuê nhà trọ ở mức tương đối đó là: Bình Dương giải ngân đạt 6,15% so với dự kiến; Đồng Nai giải ngân đạt 24,27%; Tp Hồ Chí Minh giải ngân đạt 7,13%; Bắc Giang – giải ngân đạt 39,42%; Hà Nội giải ngân đạt 12,32% so với dự kiến.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tốc độ triển khai giải ngân hỗ trợ chậm. Nguyên nhân chính vẫn là do chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Ngoài ra có một bộ phận cán bộ lãnh đạo lo ngại, sợ làm sai, sợ trách nhiệm, người sử dụng sợ bị thanh, kiểm tra. Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
"Đặc biệt, nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách", ông Bình nói thêm.
Để đẩy nhanh tốc độ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt. Phê duyệt trong 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, 2 ngày sau phê duyệt phải hoàn thành giải ngân. Có vậy mới kịp hoàn thành gói hỗ trợ trong tháng 8.
Sáng mai (ngày 12/8), Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ- TTg Trực tuyến với các địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ nhà trọ cho lao động.