Hơn 2 tháng sau khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành, và hơn 1 tháng khi Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai chính sách này trên toàn hệ thống, hiện nhiều DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh tại TP.HCM vẫn chỉ "dài cổ"… chờ.
Sau 4 lần giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt liên tiếp, hiện giá đầu vào một số nguyên vật liệu của Công ty CP Quốc tế Dony đã giảm khoảng 9-10%.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony, cho biết, đây là một tín hiệu mừng cho sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Quang Anh, Dony cũng như nhiều DN nhỏ, lẻ mà ông quen biết cũng đang rất mong chờ gói hỗ trợ lãi suất 2%.
"Khi có thông tin được vay ưu đãi vốn với lãi suất 2%, doanh nghiệp đã rất phấn khởi và tìm cách tiếp cận. Dù vậy tới nay doanh nghiệp của ông vẫn chưa tiếp cận được vì phía ngân hàng còn đợi các hướng dẫn, và họ bảo là khi nào có những thông tin hướng dẫn cụ thể sẽ liên hệ lại với doanh nghiệp.
Dài cổ chờ mà vẫn chưa thấy gì cả. Hy vọng đã là chính sách thì Nhà nước sớm triển khai để người dân, doanh nghiệp được nhờ", ông Quang Anh, nói.
Tại Công ty TNHH Công nghệ Môi trường (WEPAR), dù trong bối cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn duy trì được mức doanh thu cũ trước dịch và đang trong giai đoạn ổn định về nguồn lực và cơ sở vật chất, hàng hóa để tăng doanh thu trong 6 tháng cuối năm.
"6 tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi để công ty mở rộng kinh doanh và tăng doanh thu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp vẫn là tiếp cận các nguồn vốn để phát triển", bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc WEPAR, chia sẻ.
Theo bà Xuân Mãi, doanh nghiệp có nghe và cũng rất vui mừng tìm hiểu chính sách để được vay với gói vay hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng gần như chỉ dừng ở thông tin và không có sự hỗ trợ chi tiết nào từ phía ngân hàng cũng như các cơ quan nhà nước.
"Nếu được đề xuất thì doanh nghiệp mong muốn được triển khai rõ ràng về từng quận và được Ban Quản lý Doanh nghiệp của quận sẽ triệu tập doanh nghiệp, triển khai truyền thông rõ ràng nội dung để các DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này", bà Xuân Mãi kiến nghị.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023 và theo các doanh nghiệp, như vậy là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ này được triển khai sớm để giảm chi phí tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất cho vay. Mặt khác, nên kéo dài thời hạn gói hỗ trợ bởi hiện đã là quý 3, nếu chỉ áp dụng đến hết năm 2023 thì thời gian thụ hưởng của doanh nghiệp còn rất ngắn.
Đặc biệt, có doanh nghiệp còn đề xuất xem xét nới điều kiện được hỗ trợ như tài sản bảo đảm, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn, số dư lãi chậm trả trong hai năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhận định, gói hỗ trợ lãi suất 2% vốn được ví như chiếc phao cứu sinh giúp doanh nghiệp có thêm khoản tài chính để đầu tư, phát triển thì đại đa số doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được.
Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo ông Hưng, là do nhiều ngân hàng chưa nhiệt tình hỗ trợ, ngại rủi ro nếu quyết toán sai.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại lớn tại TP.HCM thừa nhận, nếu hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có tài sản bảo đảm… thì rủi ro bị đẩy sang phía ngân hàng.
"Thực tế, dù biết các DN gặp khó nhưng vì không thể cho vay dưới chuẩn, nên việc xét duyệt kéo dài. Nói thật phía ngân hàng cũng rất khó xử trong chuyện cho vay, không phải ngân hàng không hỗ trợ, mà các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm", vị này nói.
Tại TP.HCM, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đăng ký tham gia cho vay gói hỗ trợ lãi suất này như Agribank, BIDV, VietinBank, OCB, ACB… Các ngân hàng đã hoàn tất việc triển khai nghiệp vụ, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn nội bộ cho các tổ chức tín dụng cũng như nội bộ các tổ chức tín dụng đã tập huấn và ban hành quy trình nghiệp vụ, công tác quản lý, quản trị để tổ chức triển khai gói này.
"Để gói vay này đi đúng địa chỉ, đúng đối tượng, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, theo dõi, giám sát, theo dõi tình hình để chính sách được triển khai công khai, minh bạch, phát huy tốt hiệu quả….", đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của Dân Việt, khi được hỏi về tiến độ giải ngân của gói vay này, hầu hết các ngân hàng đều trả lời chung chung là… "đang triển khai". Có nhà băng thì cho biết, hiện "room" tín dụng đã gần hết, trong khi đề xuất nới "room" chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên chưa thể mạnh tay giải ngân gói này.
Điều này cũng không khó lý giải khi số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6.
Với mức tăng gần 10% trong 2 quý đầu năm, trong khi tín dụng cả năm nay được ngành ngân hàng đặt mục tiêu ở mức 14%, trong khi 2 quý cuối năm thường được xem là "cao điểm" của tăng trưởng tín dụng, thì việc các nhà băng phải cân nhắc giải ngân là dễ hiểu nếu họ không được cấp thêm hạn mức cho vay mới.
Trước khó khăn này của các ngân hàng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng, các địa phương nên thành lập trở lại các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tổ chức này là đơn vị đứng ra bảo lãnh các doanh nghiệp thiếu điều kiện vay vốn nhưng cần vốn để phục hồi và phát triển.
"Vốn của tổ chức này được hình thành từ ngân sách nhà nước của từng địa phương, với sự phối hợp của hiệp hội ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp. Quỹ phải thẩm định chính xác phương án kinh doanh, khả năng phục hồi, đầu ra của doanh nghiệp, từ đó hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất", ông Ngân đề xuất.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cũng góp ý rằng khi Chính phủ khi đưa ra chủ trương hỗ trợ thì cần có biện pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thực hiện.
Còn như hiện tại, các gói hỗ trợ tài chính của nhà nước chưa thật sự hiệu quả, không ít doanh nghiệp ví các gói này như… "miếng bánh vẽ".
"Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ thì cần được bảo lãnh tín dụng. Cần xem phương án của doanh nghiệp có thể tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án tốt thì cho vay.
Cần thay đổi điều kiện cho vay một cách phù hợp và ngân hàng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định này. Chẳng hạn, một doanh nghiệp mua thiết bị, qua thẩm định giá có thể cho thế chấp bằng chính thiết bị này", ông Hưng ví dụ.