Dân Việt

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng thu nhập

Bùi Phụ 12/08/2022 16:35 GMT+7
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (NN PTNT), Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu có 75/93 xã đạt chuẩn NTM. Chương trình xây nông thôn mới giúp tăng thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Trong số đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 1.

Chung tay xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận. Ảnh: BTO- CTV

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận, thực hiện Kế hoạch số 1281 của UBND tỉnh Bình Thuận về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Sở Thông tin và Truyền thông có Công văn số 43 tập trung đẩy mạnh, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn theo chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, ưu tiên phát triển nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn. Bên cạnh đó là chuyển đổi các đài truyền thanh không dây xuống cấp, hoạt động không đúng băng tần quy định sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông theo Quyết định số 135 của Chính phủ. Tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện. Phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và an toàn thông tin mạng cho cán bộ cấp xã…

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 2.

Cổng chào nông thôn mới ở huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Phước

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng băng mạng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện. Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng 4G/5G đạt 100%. 97% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; 50% xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Hướng dẫn các xã đăng ký NTM, NTM nâng cao đảm bảo đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí về xã NTM. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh như các khu trung tâm đô thị, thương mại, khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, cơ quan nhà nước, trường học… Phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G, thương mại hóa mạng di động 5G và phổ cập điện thoại di động thông minh…

Làm giàu trên vùng nông thôn mới

Chúng tôi có dịp về thăm Buôn Cùi, nơi này trước đây là thâm sơn cùng cốc, giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng, cách trung tâm TP.Phan Thiết khoảng hơn 80 km.

Gọi là Buôn Cùi bởi nơi này trước đây người Pháp dùng làm chốn "lưu đày" những người bị bệnh phong (bệnh cùi) để tránh lây lan. Nay Buôn Cùi là thôn giàu có, thuộc hàng nhất nhì ở xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, nhờ nhà nước đầu tư mở rộng Quốc lộ 55 xuyên qua những cánh rừng xanh bát ngát nối huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) vào TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), vùng đất này trở thành nơi "đất lành chim đậu".

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 4.

Những căn biệt thự ở khang trang ở đầu thôn Buôn Cùi. Ảnh: Bùi Phụ

Thật khó nói hết cảm xúc khi xe chúng tôi bon bon trên tuyến đường trải nhựa rộng lớn, láng mượt xuyên qua núi rừng trùng trùng, điệp điệp... Đập vào mắt chúng tôi là nhiều ngôi biệt thự mới xây dựng khang trang, với lối kiến trúc độc đáo, đủ màu sắc mọc lên 2 bên đường dẫn vào thôn Buôn Cùi và thôn Đa Kim xã Đa Mi.  

Theo chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2019, các cơ quan chức năng và người dân cùng thực hiện kế hoạch làm 10,5 km đường bê tông xi măng đá từ La Dày đi Buôn Cùi với mức đầu tư gần 29 tỷ đồng được. 

Cuối năm 2021, đường hoàn thành, nhờ có đường thông thoáng, những ngôi biệt thự này được nông dân xây dựng mới bằng tiền bán trái sầu riêng. Trung bình mỗi căn biệt thự khoảng vài tỷ đồng, nội thất bên trong đầy đủ các tiện nghi như thành phố.

Theo UBND xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), tính đến cuối tháng 6/2022, toàn thôn Buôn Cùi có 180 hộ hơn 660 nhân khẩu đang sinh sống, canh tác đất nông nghiệp. Trung bình mỗi hộ dân sinh sống ở đây có khoảng 5 ha đất vườn trồng sầu riêng. Mỗi ha sầu riêng chuyên canh khoảng 400 cây, xen canh khoảng 200 cây thu hoạch bình quân khoảng 4-5 tạ trái/cây.

Đa số bà con ở đây trồng cây sầu riêng ở các lưng chừng đồi, giữa các thung lũng nằm ven theo 2 bên bờ sông La Ngà. Cây sầu riêng phát triển rất tốt trên vùng đất này và Buôn Cùi giờ là thôn giàu nhất nhì của xã Đa Mi.

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 5.

Anh Lê Văn Tâm ở xã Đa Mi đang chăm sóc vườn sầu riêng ra hoa. Ảnh: Bùi Phụ

Trung bình từ năm 2015 đến 2021, giá sầu riêng bán tại vườn giao động bình quân khoảng 60.000 đồng/ký thì mỗi mùa sầu riêng, sau khi đã trừ chi phí còn lãi từ 150-250 triệu đồng/ha.

Chúng tôi ghé căn biệt thự của gia đình anh Lê Văn Tâm (50 tuổi), mới xây dựng xong nằm bên triền đồi, xinh đẹp, thơ mộng. Anh Tâm cho biết, vừa xây dựng xong năm 2020 bằng tiền bán trái sầu riêng. Tổng số tiền xây dựng căn biệt thự này anh Tâm nói chưa tính tổng được! Bởi theo anh Tâm, xây biệt thự ở đây, chi phí vật liệu cao hơn ở bên ngoài đồng bằng gấp 2 lần.

Đổi thay các xã khu vực nông thôn TP. Phan Thiết

Theo UBND TP Phan Thiết, tính đến nay, TP. Phan Thiết đã hoàn thành được 69/76 tiêu chí NTM, thành phố đang nỗ lực để đạt tiêu chí tiến tới công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo ghi nhận chung, sau gần chục năm xây dựng NTM, khu vực nông thôn TP Phan Thiết thay đổi rõ nét, 4/4 xã gồm: Tiến Thành, Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp đều đạt chuẩn NTM.

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 6.

Vùng biển Mũi Né, TP. Phan Thiết. Ảnh: Nguyên Vũ

Lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết cho biết, việc xây dựng NTM được UBND thành phố xem là một trong nội dung quan trọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. TP. Phan Thiết tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo tính phù hợp, hài hòa, đồng bộ gắn với quá trình phát triển đô thị và công nghiệp của thành phố.

Trong đó, nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn tại 4 xã được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đi lại dễ dàng, từ đó phát triển kinh tế địa phương. Các trường học đều được quan tâm xây mới, nâng cấp sửa chữa, 4 xã hiện có 12 trường học từ bậc mầm non đến trung học, trong đó có 5 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Sản xuất nông nghiệp cũng từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao...

Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 47,3 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, 4 xã hiện chỉ còn 56 hộ nghèo trong tổng số 8.853 hộ chiếm tỷ lệ 0,63%.

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 7.

Một vườn thanh long chong đèn ở Bình Thuận. Ảnh: CTV

Trong thời gian tới, TP. Phan Thiết tiếp tục duy trì xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát huy tối đa các sản phẩm lợi thế của các xã tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ cũng như quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn…

TP. Phan Thiết đặt mục tiêu đến năm 2025 có 2/4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân đạt 82 triệu đồng/người/năm, cơ bản xóa nghèo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của thành phố.

Xây dựng nông thôn mới không chạy theo thành tích

Theo Sở NN PTNN tỉnh Bình Thuận, sắp tới tiếp tục thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đối với các sản phẩm đạt 3, 4 sao, nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường; triển khai xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Tập trung các biện pháp thu gom, xử lý chất thải đạt hiệu quả trên địa bàn các xã nhằm cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn.

Bình Thuận: Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng nông thôn tăng tăng thu nhập.  - Ảnh 8.

Một góc hồ Hàm Thuận - Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Bùi Phụ

Vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện nâng chuẩn chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao hướng đến xã nông thôn mới 14 kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, phấn đấu cuối năm đạt kế hoạch.