Dân Việt

Tài xế đâm hàng loạt người và xe ở cây xăng tại Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 13/08/2022 15:23 GMT+7
Sau khi gây tai nạn khiến 8 người bị thương ở cây xăng, tài xế ôtô được đưa về trụ sở công an đo nồng độ cồn. Kết quả, nồng độ cồn của người này vượt mức vi phạm tối đa. Với hành vi này, tài xế có thể bị xử lý thế nào?

Tài xế đâm xe vào cây xăng có nồng độ cồn vượt mức vi phạm

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tối 12/8 khi ôtô 5 chỗ lao thẳng vào cây xăng khiến 8 người bị thương, tài xế gây tai nạn ngay lập tức được đưa về trụ sở công an để làm việc.

Người này được xác định là Ngô Công Hán (sinh năm 1987, trú tại Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội).

Tài xế đâm hàng loạt người và xe ở cây xăng có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tài xế thừa nhận có uống bia tại địa chỉ 540 đường Láng. Sau đó, khi đang lái xe về nhà thì gây tai nạn. Ảnh: DS

Qua kiểm tra nồng độ cồn tại chỗ, lực lượng chức năng xác định mức vi phạm nồng độ cồn của Ngô Công Hán ở mức rất cao - 0,9 mg/lít khí thở. Nồng độ cồn này cao gấp 2,25 lần mức kịch khung theo Nghị định 100 (0,4 mg/l khí thở).

Làm việc với công an, tài xế Hán cũng thừa nhận có uống bia tại địa chỉ 540 đường Láng. Sau đó, khi đang lái xe về nhà thì gây tai nạn.

Trước đó,khoảng 22h50 ngày 12/8, người đàn ông 35 tuổi điều khiển ôtô nhãn hiệu Honda City mang BKS 30H-758.03, lưu thông theo hướng từ quận Cầu Giấy về Ngã Tư Sở (quận Đống Đa).

Gần đến cây xăng có địa chỉ tại số 111 đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), xe do ông Hán điều khiển bất ngờ mất kiểm soát, đâm thẳng vào cây xăng với tốc độ cao. Lúc này, rất đông người và xe đang xếp hàng chờ đổ xăng đã bị ôtô tông trúng.

Chiếc xe 5 chỗ tông vào loạt xe máy, khiến 8 người bị thương, trong đó 5 người bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tài xế đâm xe vào cây xăng khiến 8 người bị thương có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và hậu quả làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển ô tô đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra hậu quả không có nạn nhân nào thiệt mạng nhưng thương tích của người bị hại từ 61 % trở lên, cơ quan điều tra có thể  khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Cường cho biết, qua thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/1l khí thở, đây là nồng độ cồn vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của người tham gia giao thông.

Bởi vậy, việc xác định yếu tố lỗi (không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát) và vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này là tương đối rõ, vấn đề còn lại là hậu quả có nghiêm trọng hay không.

Nếu có căn cứ xác định, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong; thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, người điều khiển phương tiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260.

Nếu không có các hậu quả như trên, tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tước bằng lái và phải bồi thường tiệt hại cho các nạn nhân.